Năm chức vô địch Premier League trong sáu năm qua là một kỳ tích của Man City. Kể từ thời MU trong giai đoạn 2007-2009, chưa đội bóng Anh nào vô địch giải quốc nội trong 3 mùa liên tiếp. Đội chủ sân Etihad còn đứng trước cơ hội ăn ba danh hiệu mùa này nếu lên ngôi tại Champions League và FA Cup.
Thành công của Man City đến từ sự đầu tư hiệu quả của giới chủ UAE, bên cạnh dàn cầu thủ đẳng cấp và một huấn luyện viên tài năng. Tập đoàn Abu Dhabi United không chỉ ném tiền vào đội bóng một cách vô tội vạ. Họ từng bước xây dựng kế hoạch thống trị làng bóng đá thế giới, đồng thời tuyển dụng những nhà quản lý giỏi để vận hành một tập thể hùng mạnh như hiện tại.
Chiến lược đầu tư khôn ngoan
Việc chiêu mộ Pep Guardiola là mấu chốt quan trọng dẫn đến thành công của giới chủ Man City. Bộ đôi điều hành Txiki Begiristain và Ferran Soriano muốn tuyển mộ Pep ngay từ năm 2012, thời điểm chiến lược gia này chia tay Barcelona. Tuy nhiên, Pep quyết định chọn Bayern Munich vào năm 2013.
Đáp lại sự hờ hững của Pep, Man City vẫn kiên nhẫn. Đội sẽ đợi cho đến khi chiến lược gia người Tây Ban Nha kết thúc nhiệm vụ tại Đức. Đối với một CLB đang trên đà phát triển mạnh như Man City, 3 năm là quãng thời gian dài để chờ đợi một HLV.
Nhưng sự kiên nhẫn của Man City được đền đáp xứng đáng. Pep đến sân Etihad làm việc vào mùa hè 2016, mở ra giai đoạn thành công rực rỡ của Man City. Trong 6 năm sau đó, Man City có 5 lần vô địch giải quốc nội.
Ngoài những dấu ấn chuyên môn của Pep, việc mua sắm của Man City cũng được đánh giá rất hiệu quả. HLV người Tây Ban Nha được ban lãnh đạo "bật đèn xanh" để chiêu mộ những con người phù hợp nhất.
Năm 2016, Ilkay Gundogan trở thành bản hợp đồng đầu tiên của Pep tại Man City. Một năm sau đó, hàng loạt tân binh cập bến sân Etihad, trong đó có Ederson và Kyle Walker. Đến năm 2020, Ruben Dias đầu quân đội bóng thành Manchester và trở thành thủ lĩnh ở hàng thủ. Đến mùa hè 2022, "The Cityzens" bỏ ra chưa đến 70 triệu bảng cho bộ đôi Erling Haaland và Julian Alvarez. Đây là nhóm cầu thủ tạo tiền đề cho chức vô địch Premier League thứ 7 của đội trong hơn thập kỷ qua.
Theo Opta, Man City chi hơn 1 tỷ bảng dưới thời Pep. Nhưng họ không mua sắm vội vàng. Đội cũng từng phạm không ít sai lầm với những thương vụ như Claudio Bravo, Danilo hay Benjamin Mendy. Nhưng số lượng bản hợp đồng thành công của Man City vượt trội hơn những thương vụ thất bại.
Lứa cầu thủ trẻ được Man City "ươm mầm" dần tạo được chỗ đứng ở đội một như Phil Foden, Cole Palmer hay Rico Lewis. Trong khi đó, Jadon Sancho trở bản hợp đồng đắt giá của MU vào mùa hè 2021, còn Brahim Diaz vừa cùng AC Milan vô địch Serie A 2021/22 và tiến đến bán kết Champions League mùa này. Đây là thành quả của việc đầu tư 200 triệu bảng vào hệ thống đào tạo trẻ của Man City.
Man City chi nhiều nhưng cũng kiếm không ít từ việc bán cầu thủ. Khi Haaland và Kalvin Phillips gia nhập đội vào mùa hè 2022, "The Cityzens" thanh lý thành công bộ ba Raheem Sterling, Oleksandr Zinchenko và Gabriel Jesus để đem về 124 triệu bảng. Đó là chưa kể việc thanh lý vài cầu thủ dự bị như Pedro Porro để kiếm thêm 15 triệu bảng.
Man City kết thúc kỳ chuyển nhượng hè 2022 khi chỉ lỗ 8,3 triệu bảng, con số thấp thứ 4 tại Premier League và hơn mỗi Brighton, Leicester City và Everton. Trái ngược với Man City, Chelsea thực chi đến 480 triệu bảng, MU phải tiêu tốn 203 triệu bảng còn Newcastle bỏ ra 161 triệu bảng. Man City không cần huy động vốn từ khối tài sản khổng lồ của giới chủ UAE, họ tự duy trì bằng nguồn lực sẵn có.
Quỹ lương của Man City cũng chỉ cao thứ ba tại Premier League mùa này (182 triệu bảng), xếp sau MU (211 triệu bảng) và Chelsea (212 triệu bảng).
Ý kiến ()