Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:29 (GMT +7)
Đằng sau 'sứ mệnh hòa bình' của Thủ tướng Hungary
Thứ 4, 10/07/2024 | 15:49:00 [GMT +7] A A
Trước khi đến Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 9/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công du đến Ukraine và Nga, Trung Quốc với thông điệp 'thúc đẩy hòa bình'.
Tuy nhiên phương Tây coi đó chỉ là tiếng nói của riêng Hungary mà không đại diện cho ai.
Chiến lược của Thủ tướng Hungary
Thủ tướng Hungary, người vốn chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine và là nhà lãnh đạo luân phiên Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng cuối năm 2024, có quan hệ thân thiết với Nga và Trung Quốc.
Ông được cho là cũng mang "thông điệp hòa bình" đến bữa tiệc sinh nhật 75 năm ảm đạm của NATO vốn đang phủ bóng bởi những bất ổn chính trị.
"Điểm đến tiếp theo: Washington" - ông Orban viết trên mạng xã hội vào tối 8-7, sau khi khiến các nước châu Âu và NATO bất ngờ với chuyến công du mà ông gọi là "sứ mệnh hòa bình 3.0". Trong chuyến đi, nhà lãnh đạo Hungary mang theo thông điệp là thúc đẩy ngừng bắn giữa Ukraine và Nga để tạo tiền đề cho đàm phán hòa bình.
Việc này đã bị EU phản ứng mạnh mẽ. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết không quan chức nào có quyền thay mặt cho EU làm trung gian hòa bình cho Ukraine mà không được khối này chấp thuận trước.
Lãnh đạo EU cũng khẳng định các chuyến đi của ông Orban mang tư cách lãnh đạo Hungary chứ không đại diện cho EU. Còn ông Zelensky cũng nói chỉ những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc hay EU mới có thể đảm nhiệm việc đó.
Tuy nhiên, chỉ trích Hungary cũng không dễ khi mà từ ngày 1-7, nước này đã đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu. Theo Hãng tin Bloomberg, giới ngoại giao châu Âu đã lên tiếng lo ngại về cách Hungary sử dụng vai trò chủ tịch và đã có một số thảo luận về việc tước chức vụ này của Budapest.
Nhằm tránh gây chia rẽ trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không chỉ trích trực tiếp ông Orban. Ông Stoltenberg cũng khẳng định "sứ mệnh hòa bình" của Hungary không làm thay đổi lập trường của khối trong việc ủng hộ Kiev.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby, cho rằng chuyến đi của ông Orban "chắc chắn không mang lại hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề ở Ukraine" mà còn "đáng lo ngại".
"Với việc châu Âu đang cố gắng ngày càng có tiếng nói chung trong mối quan hệ với Trung Quốc và Nga, các chuyến đi không báo trước và không phối hợp của ông Orban không giúp ích gì trong việc phát tín hiệu hoặc tạo ra một EU thống nhất" - bà Eva Seiwert, một chuyên gia chính sách đối ngoại và an ninh của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, nhận định với Đài Al Jazeera.
Đáp lại những phản ứng, trả lời trên báo Bild của Đức, ông Orban đả kích "chính sách chiến tranh" của châu Âu với cuộc chiến ở Ukraine, cho rằng nạn nhân thực tế của chính sách này không ai khác chính là kinh tế và người dân châu Âu. Ông cho rằng không thể chấm dứt cuộc chiến bằng vũ khí, trong khi các đồng minh của Kiev lo ngại ngừng bắn sẽ giúp Nga củng cố lực lượng.
Điều này dự kiến sẽ khiến thủ tướng Hungary đối mặt các chỉ trích tại hội nghị NATO. Tuy nhiên, việc ông Orban dự kiến gặp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sau hội nghị đã hé lộ chiến lược dài hạn của ông.
Giới phân tích cho rằng ông muốn "đón đầu" khả năng trở lại Nhà Trắng vào cuối năm nay của ông Trump, người đã từng tuyên bố sẽ đẩy nhanh thỏa thuận hòa bình Ukraine nếu đắc cử. Trong chuyến đi Mỹ trước đó, ông Orban cũng đã đến gặp ông Trump tại dinh thự Mar-e-Largo mà không gặp Tổng thống Joe Biden.
Bất ổn phủ bóng hội nghị NATO
Giới phân tích phương Tây cho rằng động thái của ông Orban là một bước lùi trước hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO vốn đang đối mặt nhiều bất ổn chính trị.
"Mọi nhà lãnh đạo châu Âu đều thấy rõ tình trạng hỗn loạn trước hội nghị này" - bà Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO, hiện là thành viên Tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, đánh giá trên tờ Washington Post.
Bên cạnh cuộc chiến tại Ukraine chưa có dấu hiệu đến hồi kết, các nhà lãnh đạo NATO cũng như Úc, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc còn đang lo liệu Tổng thống Biden, người đang đối mặt những rắc rối sau cuộc tranh luận yếu thế với ông Trump, có thể nắm quyền thêm bốn năm nữa hay không.
Trong khi đó, bên kia Đại Tây Dương, làn sóng cực hữu đang nổi lên ở Pháp sau cuộc bầu cử và ở Đức. Và xa hơn, ở Trung Đông, cuộc xung đột ở Dải Gaza vẫn nóng hừng hực.
Ông Max Bergmann, giám đốc Chương trình châu Âu, Nga và Âu - Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra vào thời điểm tốt nhất nhưng cũng là tệ nhất.
"Đây là thời điểm tốt nhất, theo nghĩa liên minh biết mục đích của mình là ngăn chặn Nga. Các thành viên liên minh đang chi tiêu nhiều hơn. Nhưng đó cũng là thời điểm tồi tệ nhất, rõ ràng là do cuộc chiến ở Ukraine, những thách thức trong việc tăng chi tiêu quốc phòng của châu Âu và những lo ngại về độ tin cậy của Mỹ", ông Bergmann nhận định với AFP.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()