Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:39 (GMT +7)
Đằng sau động thái Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
Thứ 4, 18/05/2022 | 15:18:02 [GMT +7] A A
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ không cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Nguyên nhân là do lập trường của các nước này với các tay súng người Kurd.
Theo Bloomberg, tại một cuộc họp báo ở Ankara vào cuối ngày 16/5, Tổng thống Erdogan đã cho thấy ông không dễ dàng thay đổi quan điểm phản đối Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Những nhận xét trong họp báo là dấu hiệu khẳng định ông có ý định chặn Phần Lan và Thụy Điển, hoặc ít nhất là muốn thương lượng điều kiện với hai quốc gia này kể từ khi hai nước công bố ý định gia nhập NATO vào cuối tuần qua.
Ông Erdogan nói: “Hai quốc gia này thiếu lập trường rõ ràng trong chống chủ nghĩa khủng bố. Thụy Điển là nơi trú ẩn của các tổ chức khủng bố”. Ông cũng nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép các quốc gia nào áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO, có ý nhắc tới việc một số quốc gia châu Âu áp đặt các biện pháp hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Trọng tâm của vấn đề chính là bất đồng sâu sắc của ông Erdogan với các đồng minh NATO vì nhà lãnh đạo này thấy họ từ chối xem xét nghiêm túc những lo ngại của mình về các tay súng người Kurd hoạt động bên trong Thổ Nhĩ Kỳ và xuyên biên giới ở Syria và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tất cả các thành viên NATO thừa nhận mối đe dọa này.
Ngày 17/5, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn cho rằng ông Erdogan đang sử dụng tình hình hiện nay để khiến các nước phải nhượng bộ, ví dụ như liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Ông Asselborn nói trên đài phát thanh Deutschlandfunk của Đức rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể ngăn chặn được việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Trước đó, Lầu Năm Góc đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình mua máy bay F-35 vào tháng 7/2019 sau khi chính phủ của Tổng thống Erdogan mua hệ thống tên lửa S-400 do Nga sản xuất.
Vào tháng 9/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức gửi yêu cầu cho Mỹ về việc mua 40 máy bay F-16 Block 70 mới và gần 80 bộ dụng cụ từ Lockheed Martin để hiện đại hóa các máy bay chiến đấu hiện có. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có kế hoạch gặp Ngoại trưởng Antony Blinken vào ngày 18/5 để thảo luận về vấn đề này. Hợp đồng mua bán có khả năng trị giá tới 6 tỷ USD.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông dự kiến giải quyết vấn đề xuất hiện vào phút chót đối với kế hoạch mở rộng khối. Nhưng điều đó có vẻ khó xảy ra ngay lập tức, nhất là khi ông Erdogan nói các quan chức Thụy Điển và Phần Lan không nên cố tới Ankara để thuyết phục mình.
Phần lớn tranh cãi tập trung vào vấn đề liên quan các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đối đầu. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu coi Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) là một tổ chức khủng bố, nhưng Mỹ và châu Âu lại vũ trang cho chi nhánh của PKK ở Syria là YPG trong cuộc chiến chống khủng bố.
Phương Tây ngày càng ủng hộ các tay súng người Kurd ở Syria sau khi khủng bố Nhà nước Hồi giáo chiếm được nhiều vùng rộng lớn ở Syria và Iraq từ năm 2014. Mỹ và một số chính phủ châu Âu đã hỗ trợ YPG để giúp đẩy lùi các phẩn tử khủng bố.
Do lo ngại viễn cảnh đội quân người Kurd ở Syria được trang bị tốt có thể hỗ trợ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước này đã đưa quân vào Syria để đẩy nhóm này ra xa khỏi biên giới của mình. Nhiều nước EU, trong đó có cả Thụy Điển và Phần Lan, đã đáp trả bằng các biện pháp hạn chế bán vũ khí cho Ankara.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu phát biểu tại Berlin ngày 15/5: “Chúng tôi đã kêu gọi các quốc gia này, cùng với các thành viên NATO hiện tại, ngừng hỗ trợ những kẻ khủng bố và chấm dứt hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ vì động thái này đi ngược lại tinh thần của liên minh”.
Trước đó vào ngày 16/5, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa thông tin chi tiết về việc Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ các tay súng người Kurd. Theo đó, YPG đã sử dụng vũ khí chống tăng AT-4 do Thụy Điển sản xuất trong các cuộc tấn công vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Các quan chức cấp cao của Thụy Điển và người Kurd cũng đã tiếp xúc với nhau.
Về phía Phần Lan, Anadolu nhắc lại việc Phần Lan phản đối các hoạt động quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các tay súng người Kurd, và quyết định năm 2019 về việc không phê duyệt giấy phép xuất khẩu quốc phòng mới cho Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2019 là năm các ngoại trưởng EU cùng nhau cam kết hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ do nước này thực hiện hoạt động quân sự ở Syria.
Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận rằng thông tin của Anadolu chính là những lo ngại của nước này.
Về phần mình, vào ngày 15/5, Ngoại trưởng Phần Lan ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào phút chót khi Phần Lan nộp đơn gia nhập NATO. Phát biểu tại quốc hội ở Helsinki, ông Pekka Haavisto cho biết Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu đã thông báo với ông vào ngày 5/5 rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là một quá trình rất đơn giản ở Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Sauli Niinisto cũng nhận được thông điệp tương tự từ Tổng thống Erdogan.
Tuy nhiên, từ đó, những vấn đề mới liên quan PKK đã nảy sinh. Ông Haavisto nói: “Chúng tôi có câu trả lời rõ ràng. Chúng tôi không mặc cả, chúng tôi trả lời rằng: PKK bị cấm ở Phần Lan vì tổ chức này cũng nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố của Liên minh châu Âu”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()