Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:23 (GMT +7)
Đăng kiểm đưa thêm nhiều giải pháp gỡ khó
Thứ 4, 15/03/2023 | 13:06:35 [GMT +7] A A
Tân Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam - ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết, thời điểm này Cục đã và đang tiếp tục phối hợp với Cục CSGT xử lý vấn đề kỹ thuật, kết nối phần mềm, cơ sở dữ liệu đăng kiểm của hai bên, đánh giá các đơn vị đăng kiểm của ngành Công an để đưa các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện đăng kiểm tham gia hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong đăng kiểm
Ngoài giải pháp trên, ngày 14/3, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiếp tục có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị xem xét hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đăng kiểm.
Văn bản từ phía Bộ GTVT cũng nêu rõ, để đảm bảo cho hoạt động đăng kiểm duy trì ổn định, Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tạo điều kiện bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm định cho các trung tâm đăng kiểm để tái hoạt động trở lại; Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Sở GTVT triển khai các giải pháp như: Bố trí thời gian làm thêm giờ kể cả thứ bảy và chủ nhật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký từ xa thời gian kiểm định; huy động nhân lực bổ sung cho các đơn vị đăng kiểm bị thiếu, sử dụng cả các đăng kiểm viên đang được tại ngoại hoặc đã nghỉ hưu; phối hợp với chính quyền địa phương điều tiết, phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại các đơn vị đăng kiểm... Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc đăng kiểm đến nay vẫn gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bộ GTVT đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét cho phép lực lượng đăng kiểm và các trung tâm đăng kiểm trực thuộc tham gia hỗ trợ công tác kiểm định.
Nói thêm về các giải pháp, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng cho biết, ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Công an, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục CSGT đã phối hợp lên nội dung kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng về các trạm đăng kiểm. Cục cũng đang phối hợp với Cục CSGT xử lý vấn đề kỹ thuật, kết nối phần mềm, cơ sở dữ liệu đăng kiểm của hai bên, đánh giá các đơn vị đăng kiểm của ngành Công an để đưa các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện đăng kiểm tham gia hỗ trợ. Đây là giải pháp trước mắt mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT để thực hiện mục tiêu trong tháng 3/2023 cơ bản chấm dứt ùn tắc đăng kiểm xe.
Song song đó, Cục đã vận động các trung tâm đăng kiểm địa phương chi viện đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ cho các trung tâm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, động viên các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại quay trở lại làm việc. Ngoài các giải pháp trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16, bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3/2023.
Sửa nhanh nhiều quy định về nhân sự
Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin thêm, để đề xuất thay đổi chu kỳ kiểm định, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm đã nghiên cứu trong nhiều tháng qua và đang trong quá trình lấy ý kiến. Quá trình nghiên cứu đã tham khảo mô hình của các nước trên thế giới và trong khu vực, phù hợp nhất với thực tế hiện nay.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng sẽ sớm được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, đăng kiểm viên được tuyển dụng vào các trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam đều phải là viên chức nhưng tại các trung tâm xã hội hóa chỉ là người lao động bình thường.
Ngay cả việc tuyển dụng đăng kiểm viên, điều động chuyển từ khối tư nhân vào làm việc tại các trạm thuộc Cục Đăng kiểm hay Sở GTVT cũng phải thực hiện theo quy định của Luật công chức, viên chức, trong khi đó, trạm tư nhân có thể tuyển thẳng.Ngay trong giai đoạn ùn tắc đăng kiểm nghiêm trọng hiện nay, để bố trí nhân sự chi viện, Cục vẫn phải vận động, nhờ hỗ trợ chứ không thể điều động như với nhân sự thuộc trạm của Cục.
Cục đang kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật theo hướng: Cơ sở vật chất của các trạm đăng kiểm sẽ thuộc quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng người lao động thực hiện công tác đăng kiểm xe phải do tổ chức đăng kiểm quản lý. Đồng thời, đang xem xét ký hợp đồng chuyên gia với những cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm để tham gia nghiên cứu sửa đổi văn bản, hỗ trợ Cục tập huấn nghiệp vụ.
Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ôtô hiện nay. Trong đó, bỏ quy định mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí một đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra nhằm tận dụng được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật.
Cùng với đó, giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định. Bộ GTVT cũng đề nghị bãi bỏ Điều 26 quy định số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm, không giới hạn công suất mà theo thực tế tình trạng phương tiện vào kiểm định và thời gian làm việc có thể kéo dài để phát huy hết năng lực của trung tâm đăng kiểm…
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các kiến nghị, đề xuất của Bộ GTVT là những giải pháp cần thiết, hiệu quả và khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()