Bí thư Đoàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu Chìu Văn Phúc (nguyên Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn): Đó là bước khởi đầu hạnh phúc nhất của tôi!
Phai Lầu là địa bàn biên giới của xã Đồng Văn, Bình Liêu. Nơi đây có 100% bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn thời điểm trước năm 2015 còn trên 30%. Nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, đa phần người dân vẫn trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp, không dám xây dựng hay phát triển mô hình vì sợ rủi ro. Không những vậy, nhiều người vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Lớn lên ở vùng đất này nên tôi luôn thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.
Bí thư Đoàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu Chìu Văn Phúc (nguyên Bí thư chi bộ, trưởng thôn Phai Lầu, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới nhân dân trong thôn. Ảnh: Hùng Sơn.
Năm 2015, khi được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn và đến năm 2017, tiếp tục được bầu làm bí thư chi bộ đồng thời làm trưởng thôn, tôi luôn trăn trở đã tìm cách gì giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Chính việc giữ vai trò “2 vai” đã mang lại nhiều thuận lợi để tôi giải quyết được trăn trở đó.
Với phương châm “đảng viên đi trước” trong bất kỳ công việc gì, tôi luôn tâm niệm phải nghĩ trước, làm trước, khi mình thành công, bà con sẽ mạnh dạn làm theo. Với kiến thức được học ở trường đại học, tôi thường xuyên tích cực đi học tập các mô hình phát triển kinh tế ở trong và ngoài tỉnh, xem mô hình nào hay, phù hợp với thế mạnh của thôn thì nghiên cứu cùng với các đồng chí trong chi ủy bàn bạc đưa ra thảo luận ở chi bộ, rồi đưa ra họp dân để tuyên truyền cho người dân học theo như: mô hình chăn nuôi lợn, nuôi dê, trồng rau sạch…
Cùng với việc tìm tòi các giải pháp để nhân dân thoát nghèo, tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân đóng góp làm đường bê tông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, chỉnh trang khuôn viên nhà ở… góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Với tôi, vui nhất là được cống hiến và được thấy làng xóm quê hương đổi thay, đời sống của nhân dân được nâng lên từng ngày. Xây dựng NTM chỉ có điểm đầu, không có điểm cuối. Trách nhiệm của người đứng đầu là dù khó khăn đến mấy cũng không thể dừng bước, dù chỉ một ngày, bởi vậy, tôi luôn xác định được cùng bà con làm nông thôn mới để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân chính là niềm vui của người đứng đầu thôn.
Hiện nay, tôi được Đảng tín nhiệm giao phó trọng trách, nhiệm vụ mới. Dù không còn giữ vai trò người đứng đầu thôn nhưng tôi vẫn luôn đồng hành cùng với nhân dân trong thôn mục tiêu cao nhất là để nhân dân được thụ hưởng thành quả, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 1, xã Dân Chủ Vi Văn Đạo (TP Hạ Long): Được nhân dân tin tưởng là động lực để khát vọng hơn.
Việc gánh vác đồng thời hai chức danh đã tạo thuận lợi cho tôi trong xử lý các công việc của thôn khi vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, vừa trực tiếp lãnh đạo nhân dân thực hiện, nên triển khai công việc nhanh hơn, tạo sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ, đặc biệt là sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng nhân dân.
Với vai trò là người đứng đầu trong chi bộ, tôi luôn xác định yếu tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ là thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong đó, chú trọng thảo luận những nội dung của Chỉ thị 05 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; không ngừng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Vì vậy, ở thôn 1, tinh thần đoàn kết đã ngấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi tổ liên gia và cả cộng đồng dân cư.
CCB Vi Văn Đạo, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn 1, xã Dân Chủ, TP Hạ Long, tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, tôi luôn gợi mở những vấn đề cốt lõi để đảng viên tích cực tham gia đóng góp ý kiến. Mọi công việc quan trọng của thôn đều được tôi đưa ra bàn bạc, thống nhất trong Chi bộ, tiếp đọ đưa ra họp dân. Vì vậy, trong nhiệm kỳ qua, hầu hết mọi chủ trương triển khai thực hiện đều tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 63,5 triệu đồng/năm, thôn không còn hộ nghèo. Nhiều hộ đã xây được nhà tầng kiên cố, khang trang, sắm được ô tô để vận chuyển nông sản. Các tuyến đường chính của thôn được mở rộng và bê tông hóa, giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân trong vùng được thuận lợi hơn. Trong 2 năm dịch bệnh, tổ phòng, chống Covid-19 ở thôn hoạt động rất hiệu quả đã góp phần kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn.
Bí thư Đoàn, Văn phòng Đảng ủy xã Tiền Phong, TX Quảng Yên Lê Văn Nhất (nguyên Bí thư chi bộ, trưởng thôn 2 xã Tiền Phong): Được làm công việc gần với Nhân dân tôi được tôi rèn tình yêu quê hương, niềm tin cống hiến.
Năm 2014, tôi được nhân dân tín nhiệm bầu làm làm trưởng thôn 2, xã Tiền Phong. Đến năm 2017, thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi tiếp tục được bầu là Bí thư Chi bộ đồng thời trưởng thôn 2. Khi ấy, tôi mới 29 tuổi. Hiện nay, tôi đang đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên xã; chuyên viên Văn phòng Đảng ủy xã.
Thời điểm đảm nhận vai trò bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tôi luôn xác định làm cán bộ thôn không gần dân, không sát dân thì không làm được. Với vai trò của người đứng đầu Chi bộ, khu phố, phần lớn thời gian tôi đều về các xóm, đến nhà các hộ dân, gặp gỡ các đoàn viên, thanh niên... làm công tác vận động, tuyên truyền... Tôi thường xuyên lồng ghép các Nghị quyết, chương trình hành động vào tất cả các hoạt động của thôn. Việc nào khó tôi đều đứng ra nhận làm và chịu trách nhiệm.
Anh Lê Văn Nhất (hàng trước, đứng giữa) cùng các đoàn viên thanh niên thăm, tặng quà gia đình khó khăn trên địa bàn.
Tôi luôn cho rằng mình còn con trẻ, cứ nhiệt tình, lăn xả làm thì chắc chắn bà con sẽ tin tưởng và làm theo. Đến nay, hoạt động nào thôn đề ra đều được bà con hưởng ứng, thực hiện. Điển hình như: hiến đất làm đường nội đồng; tự giác đóng các loại thuế, phí; tích cực đầu tư cho con cái học hành; đám cưới, đám ma đã giản tiện, văn minh; vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm đã sạch hơn xưa rất nhiều. Đặc biệt, năm 2019, thôn 2 không còn hộ nghèo, thôn cũng hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Giảng viên chính Bùi Thị Tươi, Trưởng khoa xây dựng Đảng, Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh: Thực tiễn đã chứng minh hiệu quả của “Dân tin – Đảng cử”
Trải qua các thời kỳ phát triển dưới sự lãnh đạo của sáng suốt của Đảng, việc xây dựng mối liên hệ, sự gắn bó mật thiết với nhân dân luôn được Đảng ta coi trọng. Đây là cội nguồn sức mạnh, nhân tố làm nên mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ góc độ lý luận, thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin – Đảng cử” đòi hỏi sự thể hiện và thực hiện trên thực tế một cách có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã và cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở là các thôn, khu; do vậy đòi hỏi sự “hóa thân” của Đảng trong chính quyền; yêu cầu cao với sự kiêm nhiệm, lồng ghép nhiều vị trí công tác, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định “dân là gốc”, thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Giảng viên chính Bùi Thị Tươi, Trưởng khoa xây dựng Đảng, Trường Đào tạo Cán bộ Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Quảng Ninh.
Thời gian qua, việc tỉnh Quảng Ninh mạnh dạn, tiên phong thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu theo trình nhân sự “Dân tin – Đảng cử” đã giúp cơ sở lựa chọn được đội ngũ đứng đầu thôn có chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm, có tâm huyết, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân điều hành thực hiện nhiệm vụ trong cộng đồng dân cư và nhận nhiệm vụ Đảng giao phó. Từ thực tiễn càng khẳng định quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” trong thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” ở Quảng Ninh là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực Nguyễn Thế Anh: Luồng gió mới từ “Dân tin – Đảng cử” ở thôn, bản.
Qua thực tiễn triển khai mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn trên địa bàn xã cho thấy những hiệu quả rõ nét. Đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của người đứng đầu chi bộ. Việc kiêm nhiệm đồng thời hai chức danh khá vất vả nhưng công việc thuận lợi hơn do việc tiếp nhận, cụ thể hóa chủ trương của cấp ủy đồng bộ, kịp thời và nhất quán. Trong quá trình thực hiện nhất thể hóa các chức danh bí thư chi bộ và trưởng thôn đã bầu chọn được những người trẻ, tâm huyết, nhiệt tình gánh vác công việc của thôn đặc biệt là trong phát triển kinh tế.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, huyện Tiên Yên Nguyễn Thế Anh (trái) trò chuyện với người dân thôn Khe Quang.
Quan trọng hơn, mô hình luôn nhận được sự đồng thuận của cấp ủy, đảng viên và nhân dân trong xã. Các chủ trương, nghị quyết của Đảng đã được triển khai kịp thời, có sự thống nhất, được người dân đồng thuận thực hiện, tạo khí thế mới trong mọi hoạt động ở các thôn. Minh chứng cho thấy rõ nhất là trong cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt cao nhất. Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 suốt 2 năm qua, đội ngũ bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đã thực hiện tốt việc quản lý dân cư trên địa bàn, giám sát chặt chẽ người đến, đi tại địa phương.
Việc thực hiện mô hình này cũng giúp cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, không chỉ giảm số lượng chức danh thôn mà còn là điều kiện để tăng chế độ cho đội ngũ cán bộ thôn.