Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 16:37 (GMT +7)
"Dân ta phải biết sử ta..."
Chủ nhật, 01/08/2021 | 07:00:58 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là một trong các tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, lịch sử phát triển của Quảng Ninh luôn song hành, gắn kết chặt chẽ với lịch sử đất nước. Đó là niềm tự hào mà lớp lớp thế hệ kế tiếp cần biết, gìn giữ và phát huy các giá trị.
Các kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học cho thấy, con người đã sinh sống tại vùng đất Quảng Ninh ngày nay, sớm nhất vào khoảng hơn 7.000 năm trước, trải qua các giai đoạn sơ kỳ đá mới, hậu kỳ đá mới. Dấu tích người Việt cổ được tìm thấy rải rác từ ven biển Móng Cái, tới Tiên Yên, các đảo trên Vịnh Bái Tử Long, thành phố Hạ Long, ven biển thị xã Quảng Yên. Những năm gần đây, chúng ta nói nhiều đến hội nhập gồm hội nhập với thế giới nhưng kỳ thực từ khoảng 3500 năm – 2000 năm trước, người Việt cổ ở Quảng Ninh khi đó đã có sự giao thoa văn hoá, tiếp nhận các ảnh hưởng văn hoá tới vùng đồng bằng Bắc Bộ, tới ven biển Thanh Hoá, Nghệ An và sang cả ven biển nam Trung Quốc ngày nay. Minh chứng để lại là những kỹ năng chế tạo rìu đá, hoa văn trên đồ gốm và một số công cụ khác.
Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, nhiều cuộc xâm lăng của các triều đình phong kiến Trung Quốc liên quan đến vùng đất Quảng Ninh và một cách ngẫu nhiên, nơi đây đã trở thành những mồ chôn quân giặc, khiến cho chúng kinh hồn bạt vía, như các trận kháng chiến chống quân Nam Hán (931), chống quân Tống (981), chống quân xâm lược Nguyên Mông (1288). Những thất bại trên chiến trường Quảng Ninh khi ấy khiến cho các triều đình phong kiến Trung Quốc phải từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt, thậm chí như sau đại bại ở Bạch Đằng, nhà Nguyên phải từ bỏ kế hoạch xâm lược Nhật Bản.
Cho đến giai đoạn tiền Cách mạng Tháng Tám (1945) và kháng chiến chống thực dân Pháp, lịch sử Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu là một trong những tỉnh (Quảng Yên) giành chính quyền sớm nhất cả nước (20/7/1945), là trận chiến thắng Điền Xá (Tiên Yên) góp phần quan trọng vào chiến thắng trong Chiến dịch Biên giới (1950). Đến giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc, Quảng Ninh được biết đến là nơi ra quân đánh thắng trận đầu, bắn rơi máy bay và bắt sống viên phi công Mỹ đầu tiên ở miền Bắc (5/8/1964). Những năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của các liệt sĩ như Hoàng Thị Hồng Chiêm, Đỗ Sĩ Hoạ, Đỗ Chu Bỉ… đã trở thành niềm tự hào, biểu tượng anh hùng cách mạng cho các thế hệ trẻ noi theo.
Cùng với lịch sử, Quảng Ninh có bề dày văn hoá. Quảng Ninh có đủ loại hình, hạng di tích, từ cao nhất là di sản thế giới tới di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh với số lượng hàng trăm. Hầu hết các di tích đều có sự gắn kết với các sự kiện, giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Tiêu biểu như ở Hà Nam (Quảng Yên), các di tích đình, chùa, đền, miếu phần lớn có mối liên hệ mật thiết với chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đến lịch sử mở đất lập làng nên vùng Hà Nam của các tiên công hàng trăm năm trước.
Ngày nay, nói đến Quảng Ninh, du khách biết đến những Vịnh Hạ Long, khu di tích danh thắng Yên Tử, quần thể di tích Chiến thắng Bạch Đằng, đến khu lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều, núi Bài Thơ, đền Cửa Ông, Thương cảng cổ Vân Đồn, đến đình Trà Cổ (Móng Cái) đã đi vào ca khúc Mái đình làng biển của nhạc sĩ Nguyễn Cường được bao người yêu thích. Cùng với đó, mọi người biết hơn đến Quảng Ninh với một văn hoá công nhân mỏ đặc trưng. Nó hình thành, phát triển, giao thoa cùng với văn hoá biển truyền thống để có một đặc trưng văn hoá rất riêng của vùng đất và con người Quảng Ninh.
Năm 1942, trong bài thơ lục bát “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy của Người thật giản dị mà sâu sắc cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta hôm nay, muốn yêu quê hương, Tổ quốc mình thì cần phải hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc mình.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()