Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:21 (GMT +7)
Dân "nhậu" thời nay
Chủ nhật, 17/12/2023 | 16:52:16 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, vì những quy định nghiêm ngặt về vấn đề xử phạt nồng độ cồn nên “đường đến bàn nhậu” của nhiều người cũng vì thế mà thay đổi. Các dịch vụ phục vụ dân nhậu hoặc các cách ứng xử của chủ quán cũng linh hoạt hơn nhằm phục vụ khách.
Con đường tới bàn nhậu
"Còn nhớ cách đây 2 tháng, tôi có buổi họp lớp cấp 3. Địa điểm được lựa chọn là Tuần Châu, để thuận lợi di chuyển cho tất cả các thành viên đến dự. Từ nhà di chuyển sang địa điểm liên hoan cũng khoảng gần 20km. Lúc đầu, vợ tôi nói sẽ đi theo để chở chồng say về, nhưng chiều có việc đột xuất nên mệt không đi được”.
Anh Hoàng Văn Nam (xã Thống Nhất, TP. Hạ Long) kể về câu chuyện đi họp lớp gần đây với đầy sự tính toán của mình. Nếu như ngày trước, anh Nam sẽ chọn đi xe máy để ít bị kiểm tra hoặc dễ né chốt thổi nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Nhưng từ khi “siết” quy định, việc xử phạt áp dụng lên mọi phương tiện, từ xe máy cho đến ô tô, thậm chí... xe đạp, thì con đường đến bàn nhậu cũng thành vấn đề nan giải.
Để di chuyển đến địa điểm họp lớp, anh Nam có ý định đi “xe ôm” cho lượt đi và chọn taxi cho lượt về. Chia sẻ về lý do lên phương án di chuyển, anh Nam cho biết: Nếu đi taxi cho cả lượt đi lẫn lượt về chi phí rơi vào khoảng 500 nghìn đồng. Nếu đi xe ôm thì lúc về không an toàn vì khả năng cao là hậu buổi liên hoan anh sẽ không còn tỉnh táo, say sưa rồi ngật ngưỡng trên xe máy đường xa cũng không an toàn.
Tính ra từ giờ chi phí đi nhậu sẽ thêm cả khoản “lộ phí”. Nhiều bà vợ như bà xã anh Nam cũng xót tiền nhưng vì sự an toàn của người thân và sợ gánh thêm khoản phạt “khủng” nên “bụng bảo dạ” cũng không tính toán đến những khoản “lộ phí” đó. Trước khi chồng lên xe, vợ Nam còn nói theo: "Thôi, bữa nay tiệc họp lớp tình cảm thì đi, nhưng những cuộc mời nhậu nhẹt bình thường khác thì “stop” nha. Để tiền bắt xe đi nhậu đóng tiền học cho con". Anh Nam cười kể lại lời dặn của vợ.
Câu chuyện của Nam đã trở thành câu chuyện phổ biến của cánh đàn ông thích nhậu. Cũng như Nam, Phạm Công D (phường Hà Tu, TP Hạ Long), một người bạn nhậu của chúng tôi, chia sẻ câu chuyện: Tôi thường sẽ lựa chọn phương án đi xe ôm lúc đến và khi về bằng taxi hoặc nếu đi nhậu xa, thì hẹn những chiến hữu cùng tuyến đường đi chung cả đi lẫn khi về cho tiện lại giảm chi phí. Trường hợp bất khả kháng hoặc say quá mới gọi... vợ hoặc người nhà tới đón. Nhiều cuộc nhậu do ở quá xa hoặc đi lại khó khăn, trước thì tôi cũng sẽ xoay sở để đi nhưng nay tôi cân nhắc từ chối khéo.
Quả thật, câu chuyện của D cũng giống tôi và nhiều bạn vốn thường xuyên tụ tập. Đa phần chúng tôi cũng phải cân nhắc tới phương án đi lại trước và sau cuộc nhậu. Thói quen ăn nhậu của chúng tôi cũng thay đổi nhiều. Trước đây, người này ở đầu bên đây thành phố rủ người xa xôi ở cửa ngõ bên kia thành phố đi lai rai là bình thường, miễn là chọn được quán ăn nhậu ngon, đồ nhắm hợp khẩu vị thì xa mấy chúng tôi cũng đi. Nhưng gần đây có xu hướng "quán gần nhà cho lành". Họ có thể yên tâm uống thoải mái rồi đi bộ về nhà.
Nhậu mà vẫn an toàn về nhà
Ngoài những câu chuyện vui đùa trên bàn nhậu, một trong những câu chuyện phổ biến gần đây là lời hỏi thăm xem hôm nay đến và về bằng phương tiện gì, rồi kể câu chuyện tháng này tăng cường nhiều chốt thổi nồng độ cồn, chuyện bạn bè “dính” mức phạt nặng… Có lẽ cũng vì tình hình đó mà dễ thấy trước nhiều nhà hàng, quán nhậu nổi tiếng trước kia vốn đông cả ngày lẫn đêm, giờ thưa thớt hơn nhiều. Lượng phương tiện cũng ít hẳn đi.
Quay lại câu chuyện của Nam thì được biết, các thành viên của buổi họp lớp hôm ấy đa số được người thân, bạn bè chở đến. Có nhiều người như anh lựa chọn taxi hoặc phương tiện công cộng để đi lại. Theo nhiều dân nhậu "chuyên nghiệp" lẫn những người như anh Nam thì vì thế mà gần đây thói quen đi và về từ bàn nhậu đã có sự thay đổi rõ rệt.
Các chủ quán nhậu cũng có các phương án phục vụ để khách nhậu yên tâm. Nhiều dịch vụ cũng mọc lên sau những quy định khắt khe này, phổ biến là dịch vụ nhận chở thuê khách và phương tiện về nhà, như: Dịch vụ lái xe về nhà khi sử dụng rượu bia, Lái hộ xe đưa người say về nhà...Tuy nhiên, nhiều chủ quán cũng như khách rất "kén" dịch vụ này hoặc phải nhờ được chủ quán "thẩm định" hoặc đã quen và thường xuyên sử dụng dịch vụ này rồi.
Anh Nguyễn Thanh Ng, chủ quán bia đường Vựng Đâng (phường Cao Xanh, TP Hạ Long), chia sẻ: Từ khi cơ quan chức năng “siết” quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn, lượng khách có giảm sút. Sau đó, nhiều người thay đổi việc di chuyển tới quán nhậu, thay vì lựa chọn phương tiện cá nhân thì họ lựa chọn phương tiện công cộng hoặc được người thân chở đến quán. Để khách yên tâm, chúng tôi thường xuyên có liên hệ thân thiết với các hãng dịch vụ chuyên vận chuyển khách nhậu và xe về nhà.
Còn anh Nguyễn Ch, chủ một sân bia có tiếng trên đường Hồng Hải (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) thì lại chọn cách thuê một số tài xế taxi quen chở khách về một chiều thay vì dịch vụ đưa đón khách nhậu say hiện đang khá đắt. Cẩn thận hơn, chủ quán còn yêu cầu một số nhân viên đưa khách quen về khi khách lỡ "quá chén".
Về phía dân nhậu, nhiều người lại kéo thêm “tài xế gia đình” tham gia cuộc vui để khi tàn tiệc được người đưa đón về tận nhà. Tuy nhiên, số người dắt theo "tài xế nhà" này không nhiều và đa số là dân uống ít. Còn dân nhậu chính hiệu vẫn chọn đi Grab hoặc tìm quán gần để đi bộ đến.
Vẫn còn không ít dân nhậu rất chủ quan và cũng phải trả giá. Đó là câu chuyện tôi được một bạn nhậu kể lại. Số là sau trận giao lưu thể thao kết thúc, 2 đội kéo nhau ra quán bia giao lưu. Trận bia kéo dài khiến các thành viên đứng dậy trong tình trạng đã khá say xỉn.
Anh bạn tôi lái xe về và trên đường về đã bị dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn... Kết quả, anh lĩnh mức phạt trên 6 triệu đồng, mức tiền phạt còn cao hơn giá trị con xe Wave cũ mà anh hay đi làm. Vì thế, anh chấp nhận âm thầm bỏ xe lại chốt... đi bộ về và cũng chưa nghĩ ra cách giải thích phù hợp với gia đình...
Có thể thấy, từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) có hiệu lực và đi vào cuộc sống, văn hóa “nhậu” và cách hành xử sau đó liên quan đến việc tham gia giao thông đã có những thay đổi đáng kể. Có thể, lộ trình đến bàn nhậu của nhiều người sẽ phải thay đổi, thói quen sẽ dần khác đi, thế nhưng giải pháp an toàn là điều mà đa phần dân nhậu đang phải tính toán. Điều này góp phần xây dựng một nét văn hóa đẹp "đã uống rượu, bia thì không điều khiển phương tiện giao thông".
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()