Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:59 (GMT +7)
Đàn đáy và di sản hát nhà tơ, hát múa cửa đình
Thứ 5, 20/10/2022 | 13:56:27 [GMT +7] A A
Đàn đáy ở Quảng Ninh làm bằng ván gỗ, hình tròn, thân đàn gỗ và cần của đàn, gọi là phím, có tổng chiều dài 1,1m, 3 dây, là loại nhạc cụ đồng dùng của bộ nhạc cụ của hát ca trù. Bộ nhạc cụ này cho hát ca trù, là loại trống nhỏ, gọi là trống chầu, còn trống đánh cho hát nhà tơ, hát múa cửa đình là loại trống to. Hát ca trù không có múa, hát nhà tơ, hát múa cửa đình còn có đội múa 8 đến 12 người, gồm có múa đèn để rước thần về đình; múa hoa là để mừng thần và cuối cùng là múa đèn để tiễn thần. Hát nhà tơ, hát múa cửa đình thường hát về đêm thanh vắng, khoảng từ 20 giờ hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau.
Bộ nhạc cụ hát nhà tơ, hát múa cửa đình gồm có 3 thành phần chính: Phách lấy nhịp, đàn đáy và trống chầu. Hát ca trù là loại nghệ thuật thính phòng, không gian nhỏ, đào hát ngồi giữa, kép và quan viên ngồi hai bên. Hát nhà tơ, hát múa cửa đình ca nương, kép và quan viên vị trí ngồi giống như hát ca trù. Đàn đáy có âm điệu sâu lắng, nên có vị trí rất quan trọng, tạo nên một âm điệu hòa quyện vào không gian trong đêm thanh vắng cùng với tiếng hát của ca nương và tiếng trống của quan viên.
Ngày 10/6/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1849 /QĐ-UBND giao cho Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị loại hình văn hóa dân gian truyền thống, "Hát nhà tơ, hát múa cửa đình”. Được ngành văn hóa, thể thao và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp, giúp đỡ; một cuộc nghiên cứu, sưu tầm công phu tìm về “nguồn cội” từ năm 2011 đến giữa năm 2013 kết thúc.
Hội Văn nghệ Dân gian thành lập 3 đoàn về các địa phương trong tỉnh, trọng tâm là các địa phương vùng ven biển từ huyện Vân Đồn đến TP Móng Cái, nhất là các địa phương có các đình làng, lễ hội để sưu tầm, nghiên cứu về các phong tục, tập quán, đình làng và các hoạt động trong lễ hội... gần 3 tháng điền dã, đã được các đoàn sưu tầm, nghiên cứu, đi đến kết luận: Tỉnh Quảng Ninh có một loại hình văn hóa dân gian mang đậm nét ca trù, đang tồn tại ở nhiều nơi như: Xã Đoàn Kết, Hạ Long (huyện Vân Đồn), xã Đầm Hà, thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà), xã Tiến Tới, thị trấn Quảng Hà (huyện Hải Hà), xã Quảng Nghĩa, Vạn Ninh, phường Ninh Dương, Hải Hòa, Trà Cổ, xã đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái). Nhiều địa phương còn có nhiều người cao tuổi còn nhớ và kể lại những hoạt động của ông, bà, cha, mẹ, tổ tiên về các hoạt động trong lễ hội đình làng có nhiều người hát vào giờ đêm. Tháng 9/2011, đoàn khảo sát sưu tầm văn hoá dân gian đến xã Vạn Ninh - nơi có nhiều người còn lưu giữ loại hình này, đặc biệt đến thôn Bắc, tìm về nhà cụ Phạm Văn Lận, cụ đã 106 tuổi, vẫn còn 1 cây đàn đáy cũ treo trên tường. Hỏi cụ chỉ còn nhớ đó là của cụ ngày trước đi đánh đàn này cho các ca nương hát. Cụ Bùi Tân Việt, nguyên cán bộ lãnh đạo lão thành ở địa phương cũng giới thiệu về cụ Phạm Văn Lận là người có công lưu giữ tài sản này ở địa phương.
Tỉnh Quảng Ninh có loại hình hát nhà tơ, hát múa cửa đình đến từ hai vùng miền khác nhau: Một loại hình ở vùng Móng Cái, Hải Hà có nguồn gốc từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh và từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đến. Một nguồn ở huyện Đầm Hà và Vân Đồn có nguồn gốc từ vùng Kinh Bắc xuống (huyện Đầm Hà có truyền tích từ hai cô gái vùng Kinh Bắc xuống truyền hát ca trù khi đi tắm suối để quần áo trên bờ, bị trai làng lấy giấu đi, sau đó hai cô gái ấy về tự tử. Nơi ấy có hai cây đào mọc lên, dân làng tưởng nhớ hai cô đã lập miếu thờ). Năm 2013, cụ Đặng Thị Tự khi được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian (người đầu tiên của Quảng Ninh được phong tặng danh hiệu này) chính là loại hình hát ca trù.
Tại cuộc hội thảo ngày 31/12/2012, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam nói: “Ở Quảng Ninh hình thành và tồn tại một loại hình văn hóa phi vật thể, đó là hát múa dân gian có sắc thái riêng được nhân dân địa phương vẫn gọi là hát nhà tơ, hát múa cửa đình. Loại hình này nằm trong phạm trù ca trù, nhưng nó có những nét riêng. Có thể nói, đây là những mảnh vỡ đáng quý còn lại rất đáng trân trọng”.
Di sản văn hóa hát nhà tơ, hát múa cửa đình ở Quảng Ninh là loại hình văn hóa tâm linh, tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần, là vốn quý của “mảnh vỡ ca trù Việt Nam” nhiều năm qua đã lưu truyền trong dân gian, tỉnh Quảng Ninh và 4 địa phương là TP Móng Cái, huyện Đầm Hà, Vân Đồn và Hải Hà đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2012, Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hoá - Thể thao và Sở Du lịch) tổ chức liên hoan văn nghệ dân gian lần thứ nhất. Năm 2019, Hội Văn nghệ Dân gian tổ chức gặp mặt các nghệ nhân và liên hoan lần thứ 2. Di sản văn hóa hát nhà tơ, hát múa cửa đình đã có 11 người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân văn nghệ dân gian, trong đó có 1 nghệ nhân nhân dân, 6 nghệ nhân ưu tú và 8 câu lạc bộ, gần 300 hội viên. Các câu lạc bộ và các nghệ nhân đã phục vụ cho nhiều hoạt động lễ hội ở địa phương, khách từ các nơi khác đến; giao lưu với các cư dân bên làng Sơn Tâm, Van Vỹ, Giang Bình (Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc) và người nước ngoài đến địa phương.
Thiết nghĩ, chúng ta cần có nhận thức đúng và có trách nhiệm về giá trị văn hóa truyền thống nói chung và hát nhà tơ, hát múa cửa đình ở Quảng Ninh nói riêng. Đây sẽ là một hoạt động phục vụ cho sinh hoạt văn hóa tinh thần trong cộng đồng dân cư và phục vụ cho hoạt động du lịch ở địa phương. Cần có chính sách bồi dưỡng, động viên tập thể và cá nhân có nhiều công lao đóng góp hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương để làm nòng cốt cho hoạt động chung. Thường xuyên quan tâm, chăm lo các hoạt động của câu lạc bộ và các nghệ nhân văn nghệ dân gian.
Nguyễn Quang Vinh (Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Quảng Ninh)
Liên kết website
Ý kiến ()