Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:44 (GMT +7)
"Đam mê sẽ giúp người thầy cống hiến, cố gắng nhiều hơn trong công việc"
Chủ nhật, 18/10/2020 | 16:26:14 [GMT +7] A A
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10 (1930 - 2020), không chỉ là dịp để nhìn lại, khẳng định chặng đường 90 năm xây dựng, phát triển, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các cấp Hội phụ nữ mà còn là dịp để tôn vinh những phụ nữ tiêu biểu trong lao động, sáng tạo, những điển hình tiên tiến, tấm gương sáng có sức lan tỏa sâu rộng trong phong trào thi đua yêu nước.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với cô giáo Nguyễn Thu Hằng, Tổ trưởng Tổ Vật lý – Kỹ thuật công nghiệp (Trường THPT Chuyên Hạ Long) – cá nhân tiêu biểu trong giảng dạy, nghiên cứu, công tác, thực hiện tốt phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Chia sẻ về chuyện nghề 20 năm đứng trên bục giảng, gắn bó với sự nghiệp, cô giáo Hằng cho biết: Năm 2000, sau khi tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Vật lý của Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, tôi trở về công tác tại Trường THPT Chuyên Hạ Long và gắn bó từ đó đến nay. Năm 2011, tôi hoàn thành chương trình thạc sĩ và 2016 được phân công đảm nhiệm vị trí Tổ trưởng Tổ Vật lý – Kỹ thuật công nghiệp.
Vốn là một cựu học sinh của trường chuyên, vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học được trở về trường công tác là một hạnh phúc rất lớn đối với tôi bởi mình đã từng gắn bó, thấu hiểu được phong cách học tập, làm việc tại ngôi trường ở vị trí tốp đầu trong giáo dục và đào tạo của tỉnh. Và cơ duyên đến với nghề giáo của tôi không chỉ xuất phát từ niềm yêu thích của bản thân mà hơn thế là được truyền lửa bởi chính những thầy cô – những người lái đò tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm hết mình với học trò.
Tính đến nay, tôi tham gia công tác chủ nhiệm trọn vẹn được 3 khóa chuyên Lý. Học sinh trường chuyên thì đến từ tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các em phải đi học xa nhà, tập thói quen tự lập trong học tập, sinh hoạt, chăm sóc bản thân nên thời gian đầu vào lớp 10 không tránh khỏi bỡ ngỡ. Do đó, là giáo viên chủ nhiệm tôi cũng phải dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm lo đến các em, coi học sinh như chính con của mình để dạy dỗ, chỉ bảo.
Đặc biệt, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường là một nhiệm vụ vất vả, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều từ giáo viên. Vì vậy, tôi luôn tìm cách cân bằng, biến những áp lực thành động lực để không ngừng phấn đấu, hoàn thiện mình, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng dành thời gian đọc sách, sưu tầm tài liệu tại thư viện trường. |
- Là người lãnh đội của đội tuyển học sinh giỏi trong những năm qua với thành tích nổi bật có 1 học sinh đạt huy chương đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á lần thứ 19, 10 học sinh đạt giải cấp quốc gia và nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh, chị có thể chia sẻ về kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi của mình?
+ Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác đào tạo nhà trường, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò. Song để có được quá trình đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả thì việc phát hiện những học sinh có năng khiếu nổi trội, có tư duy môn học tốt và có ý thức học tập là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên.
Những học sinh tham dự đội tuyển học sinh giỏi thường đã có sẵn đam mê với môn học song không vì thế mà giáo viên được chủ quan, vẫn cần cố gắng để nuôi dưỡng niềm đam mê cho học sinh, nâng cao tinh thần trách nhiệm cùng học sinh vượt qua những khó khăn, thử thách trong học tập. Khi đam mê được khơi dậy, kết hợp với tinh thần trách nhiệm thì việc học sẽ phát huy hiệu quả. Đam mê sẽ giúp người thầy cống hiến, cố gắng nhiều hơn trong công việc, xứng đáng là “người dẫn đường tin cậy” của học sinh.
Chính vì vậy, mục tiêu giáo dục xuyên suốt mà tôi hướng tới không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà phải luôn tạo ra sự thích thú, động lực, định hướng để phát huy tối đa khả năng tự học tập, tự nghiên cứu, tìm tòi của học sinh.
Và muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi, do đó, tôi luôn có ý thức tự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ từ thực tế giảng dạy và thường xuyên phải học cùng học trò, trao đổi với đồng nghiệp, học hỏi từ các thầy cô nhiều kinh nghiệm. Ngoài tìm đọc sách tham khảo bộ môn, tôi chủ động tìm tòi nguồn tư liệu trên mạng internet thông qua lựa chọn trang web uy tín để tìm đọc, sưu tầm tài liệu... vận dụng vào giảng dạy.
Cô giáo Nguyễn Thu Hằng hướng dẫn học sinh ôn luyện kiến thức. |
- Chị vừa nhắc đến sự cần thiết trong việc phát huy khả năng tự học tập, tự nghiên cứu, tìm tòi của học sinh. Vậy theo chị, đó có phải là yếu tố quan trọng hàng đầu để công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đạt hiệu quả cao?
+ Phát huy vai trò tự học của học sinh là yếu tố vô cùng quan trọng. Về mặt lý thuyết môn học thì vô cùng rộng, giáo viên là người đóng vai trò tổng hợp kiến thức, tổng hợp tài liệu và hướng dẫn cho học sinh tự nghiên cứu. Đặc biệt, học sinh giỏi phải biết biến kiến thức trong sách vở mình đã nghiên cứu thành kiến thức của mình để vận dụng một cách sáng tạo trong giải quyết các vấn đề được đưa ra tại các kì thi.
Cùng với đó, thầy cô phải luôn bồi dưỡng hứng thú và tính tích cực, độc lập nghiên cứu của học sinh. Cách tốt nhất bồi dưỡng hứng thú cho học sinh là hướng dẫn, dìu dắt cho các em đạt được những thành công từ thấp lên cao. Nhiều học sinh lúc đầu chưa bộc lộ rõ năng khiếu nhưng sau quá trình được dìu dắt đã trưởng thành rất vững chắc và đạt kết quả tốt.
- Công việc ở trường khá bận rộn, vất vả. Vậy chị cân bằng, dành thời gian cho gia đình như thế nào?
+ Làm sao để vừa tận tụy với việc trường, cống hiến nhiều nhất cho xã hội, lại vừa chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con cái, cân bằng được hai trọng trách ấy thực sự đòi hỏi nỗ lực rất lớn, đối với nữ giáo viên nói riêng và người phụ nữ trong xã hội hiện nay nói chung. Hàng ngày, hàng giờ, trong từng việc lớn, việc nhỏ, tôi đều luôn nỗ lực phấn đấu, kiên trì. Tôi cũng chủ động bố trí kế hoạch, chia sẻ thời gian hợp lý cho cả hai. Bởi việc nuôi dạy con chăm ngoan học giỏi, hiếu thảo với ông bà cha mẹ không thể xem nhẹ và chắc chắn cần không ít thời gian và tâm huyết. Sau giờ lên lớp, tôi cố gắng tranh thủ cùng học, đọc sách, chia sẻ cùng các con những câu chuyện ở trường lớp, cùng làm việc nhà, giúp con hình thành những thói quen tốt.
Bên cạnh việc bản thân cố gắng, nỗ lực thì sự quan tâm của lãnh đạo và công đoàn nhà trường, sự đoàn kết của đồng nghiệp, tập thể tổ chuyên môn là yếu tố hết sức cần thiết. Đặc biệt, để tôi thật sự chuyên tâm cho công việc, gặt hái được những thành công bước đầu còn phải kể đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của ông bà nội ngoại, của chồng và các con - chỗ dựa tinh thần vững chãi cho tôi trong mọi lĩnh vực.
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này. Chúc chị luôn mạnh khỏe để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh và đất nước!
* Thành tích cô giáo Nguyễn Thu Hằng đạt được trong quá trình công tác: - Năm học 2013 - 2014 và 2017 - 2018: Đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi cấp tỉnh”. - Từ năm học 2013-2014 đến nay: Liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. - Năm học 2015 - 2016 và 2018-2019: Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”. - Năm học 2014 - 2015: Nhận bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh vì thành tích xuất sắc trong công tác ôn luyện đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. - Năm 2017 - 2018: Nhận 2 bằng khen của UBND tỉnh Quảng Ninh vì có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo và bồi dưỡng học sinh đạt giải quốc tế và thành tích xuất sắc trong công tác và phong trào thi đua. - Năm học 2018 - 2019: Đại diện của tỉnh tham dự “Lễ tri ân, tôn vinh những tấm gương nhà giáo tiêu biểu năm 2018” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. - Năm học 2018 - 2019: Nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo vì thành tích tiêu biểu xuất sắc trong năm học 2017-2018. - Năm học 2020 - 2021, là đại biểu tham gia Đại hội thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức lao động toàn quốc lần thứ X, năm 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. |
Nguyễn Dung (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()