Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:18 (GMT +7)
Đầm Hà vững đà phát triển trong trạng thái bình thường mới
Chủ nhật, 11/07/2021 | 14:47:33 [GMT +7] A A
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng huyện Đầm Hà vẫn vững vàng phát triển kinh tế - xã hội, người dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của huyện Đầm Hà đạt 1.132 tỷ đồng, bằng 45,8% kế hoạch, tăng 3,4% cùng kỳ; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 722 tỷ đồng, bằng 51,9% kế hoạch, tăng 27,6% cùng kỳ, giá trị sản xuất thương mại và dịch vụ đạt 862 tỷ đồng, bằng 48,2% kế hoạch, tăng 19,7% so với cùng kỳ.
Đầu tiên phải kể đến thành công của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, các xã đang bắt tay xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đã đạt kết quả tốt. Toàn huyện tiến hành chỉnh trang vỉa hè, dọn dẹp vệ sinh môi trường các tuyến đường và nhà văn hóa thôn, trồng hoa và cây xanh tại các nhà văn hóa. Tại các trục đường liên thôn, liên xã đã có 600m đường hoa được trồng. Đã có nhiều cổng xã, cổng thôn được xây mới, hàng trăm bóng đèn thắp sáng thôn quê được lắp mới, tỏa sáng trên các con đường.
Đầm Hà vốn có thế mạnh về chăn nuôi và duy trì theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài huyện. Thế mạnh về chăn nuôi của huyện là gà bản Đầm Hà. Đầu tháng 6/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho sản phẩm Gà bản Đầm Hà. Gà bản Đầm Hà đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, gà thương phẩm đã vượt ra ngoài địa bàn huyện và được tiêu thụ chủ yếu tại Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Hà Nội…
Tuy gà nuôi nhiều từ hàng trăm hộ trên địa bàn, thế nhưng số lượng gà tiêu thụ rất tốt mặc dù đang mùa dịch. Theo thống kê của huyện thì số gia cầm hiện nay là 365.000 con, trong khi gia cầm xuất chuồng từ đầu năm đến nay cũng đã đạt 394.500 con.
Chúng tôi đến Quảng Lâm, là xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn năm 2019 và hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020. Anh cán bộ xã Quảng Lâm đưa chúng tôi đến thăm đường điện mới trên địa bàn xã mới hoàn thành tại bản Bình Hồ. Đây là công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng trị giá đầu tư hơn 40 triệu đồng, trong đó bà con trong bản đóng góp được 20 triệu đồng và nhiều công lao động như dựng cột chăng dây. Bản Bình Hồ cuộc sống sôi động hơn nhiều từ khi có đường điện chiếu sáng. Được biết, hiện Quảng Lâm đã có 5km đường điện thắp sáng thôn quê với tổng đầu tư 220 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 50%.
Theo anh cán bộ xã Quảng Lâm, hiện nay ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Lâm đã được nâng cao rõ rệt, họ đã từ bỏ lối sống an phận chỉ trông chờ vào Nhà nước như trước đây, mà sẵn sàng tự đầu tư sức người, sức của, ý thức cộng đồng được phát huy rõ rệt để nâng cao đời sống bản thân và người dân thôn bản mình.
Tiêu biểu như anh Chìu Dì Thếnh ở bản Sẹc Lống Mìn đã hiến hơn 230m2 đất để mở rộng điểm Trường Tiểu học Sẹc Lống Mìn cho con em trong bản có điểm trường khang trang học tập. Anh Trạc A Sập cũng ở bản Sẹc Lống Mìn hiến 500m2 đất để mở rộng nhà văn hóa bản (nhà văn hóa hiện nay có diện tích 660m2, trước đây chỉ 160m2) để người dân trong bản có chỗ vui chơi, rèn luyện thể thao và ca hát. Tuy là bản nghèo, nhưng người dân Sẹc Lống Mìn cũng bảo nhau đóng góp hơn 400 triệu đồng cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước (800 triệu đồng) để hoàn thành nhà văn hóa. Từ chỗ có nhà văn hóa, bản Sẹc Lống Mìn đang hướng tới thành lập các đội văn nghệ hát Soọng cô của người Dao và hát Soóng cọ của người Sán Chỉ là 2 dân tộc chủ đạo ở bản...
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()