Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:14 (GMT +7)
Đầm Hà về đích huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Chủ nhật, 18/02/2024 | 13:47:26 [GMT +7] A A
Cuối năm 2020, trên nền tảng kết quả huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện Đầm Hà tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao. Xác định các tiêu chí, chỉ tiêu của chuẩn NTM nâng cao phải cao hơn chuẩn NTM, đặc biệt là các tiêu chí, chỉ tiêu về chất lượng đời sống nhân dân, huyện Đầm Hà đã sớm đưa ra mục tiêu, giải pháp cụ thể cũng như đặt quyết tâm cao độ thực hiện.
Với sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Đầm Hà đã đạt mục tiêu đề ra. Ngày 6/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Đầm Hà đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022. Như vậy, huyện Đầm Hà của tỉnh Quảng Ninh là huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2021-2025.
Năm 2020, khi Đầm Hà đạt chuẩn huyện NTM, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn đã tương đối đồng bộ. Đầm Hà đã dễ dàng kết nối liên vùng, cơ bản hình thành được những vùng sản xuất tập trung, bước đầu xuất hiện những mô hình sản xuất nông nghiệp giàu hàm lượng khoa học công nghệ. Đây là tiền đề để Đầm Hà tiến lên một bước trong xây dựng NTM, đó là xây dựng NTM nâng cao.
Huyện Đầm Hà đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung về thuỷ sản, chăn nuôi, trồng cây ăn quả; nhân rộng các mô hình sản xuất tập thể với các tổ hợp tác, các HTX và các doanh nghiệp nông nghiệp vững mạnh…
Công ty CP SEAGOLD là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thuỷ sản mới được hình thành tại xã Đầm Hà. Từ những ưu thế về hạ tầng giao thông, về vùng nuôi hàu tập trung và về môi trường nuôi trồng thủy sản trong sạch của huyện Đầm Hà, SEAGOLD đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, thiết bị, thu hút trên 100 người lao động để tiến hành sơ chế, đóng gói sản phẩm hàu. Với SEAGOLD, ưu điểm là quy trình sản xuất sạch, tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn về đảm bảo VSATTP. Hiện sản lượng của SEAGOLD là 3.000 tấn ruột/năm, phần lớn đều được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Việc SEAGOLD đi vào sản xuất ổn định như hiện nay góp phần hiện đại hoá nền sản xuất nông nghiệp của huyện Đầm Hà. Hơn hết là tạo việc làm, chuẩn hoá tác phong làm việc, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn.
Huyện Đầm Hà có khoảng 2.500ha trồng lúa. Trước đây người dân quen cấy các giống địa phương. Trải qua thời gian, một số giống lúa đã có dấu hiệu thoái hoá, năng suất, chất lượng thấp. Thực hiện các giải pháp xây dựng NTM nâng cao, huyện Đầm Hà đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động người dân cấy trồng các giống lúa mới, có ưu thế về sản lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thương mại.
Vụ lúa mùa và vụ lúa chiêm năm 2023 vừa qua, cánh đồng Quan của xã Đại Bình, cánh đồng Trại Dinh của xã Đầm Hà và nhiều vùng trồng lúa tập trung khác của huyện đều cấy trồng các giống lúa Kim cương, ĐT100, ĐT120, ST, Japonica. Sản lượng của các cánh đồng đều đạt rất cao, mang lại sự phấn khởi, hăng say sản xuất của bà con.
Hiện nay, các loại cây trồng đặc thù của huyện Đầm Hà cũng được ưu tiên giữ giống gốc và phát triển mở rộng. Điển hình là cây củ cải. Hiện toàn huyện Đầm Hà có khoảng 100ha trồng củ cải, mỗi năm thu khoảng 15 tấn củ tươi, 30 tấn củ cải phên, 10 tấn củ cải khô. Cây khoai lang mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân huyện Đầm Hà. Khoai lang xã Đại Bình nổi tiếng bởi chất lượng bở, ngọt, vị đậm thơm đặc thù của đất chua mặn. Thời điểm này khoai lang đang vào vụ thu hoạch, sản lượng năm nay đạt cao, tình hình tiêu thụ tốt, thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
Nâng cao trình độ sản xuất cho người dân trên địa bàn là một trong những tiêu chí quan trọng của xây dựng NTM nâng cao huyện Đầm Hà. Hiện thực hoá mục tiêu này, huyện tăng cường nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi, sản xuất có liên kết. HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền trụ sở tại xã Quảng Tân là một điển hình sản xuất có liên kết của huyện Đầm Hà. Khởi đầu là mô hình chăn nuôi hộ gia đình, Tuyền Hiền đã liên kết với hàng chục rồi đến hàng trăm hộ chăn nuôi gà trong và ngoài huyện. Với vai trò là đầu mối liên kết, Tuyền Hiền đã chuyển giao công nghệ thụ tinh nhân tạo trên đàn gà cho các hộ chăn nuôi, chịu trách nhiệm cung ứng gà giống, cung ứng quy trình nuôi, cũng như bao tiêu gà thương phẩm cho các hộ liên kết.
Đến thời điểm này HTX Tuyền Hiền liên kết với khoảng 150 hộ chăn nuôi, cung ứng khoảng 250.000 con giống và trên 100 tấn gà thương phẩm mỗi năm. Giá trị đạt được hàng chục tỷ đồng, lợi nhuận đạt 1,5-2 tỷ đồng/năm.
Cùng với HTX Tuyền Hiền, các HTX Thành Đạt, Thắng Huệ, Thành Mến, Khánh Đan… đều trở thành hạt nhân trong sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, có liên kết, có ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn huyện. Các đơn vị này phát triển các nông sản đặc thù địa phương như củ cải, dưa lưới, ngan sao, thuỷ sản… mang lại nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.
Có thể thấy thành quả của hơn 10 năm xây dựng NTM, gần 3 năm xây dựng NTM nâng cao của huyện Đầm Hà là những đổi thay to lớn về hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, về mức thu nhập của người dân tăng ngày càng cao. Trình độ sản xuất của người dân Đầm Hà đã nâng lên một bậc. Các hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước đồng bộ, hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu hoàn thiện, hình thành các vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo lập các thương hiệu nông sản và thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua phương thức bán hàng điện tử. Đặc biệt thu nhập của người dân Đầm Hà tính ở thời điểm cuối năm 2023 là trên 80 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn là gần 75 triệu đồng/người/năm; khu vực đô thị là trên 103 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không có hộ nghèo, không có nhà dột nát. Chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn đã nâng lên rõ rệt.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()