Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:14 (GMT +7)
Đầm Hà: Hành trình trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm
Thứ 4, 19/01/2022 | 14:03:10 [GMT +7] A A
Quy hoạch chung phát triển đến năm 2025, huyện Đầm Hà phấn đấu trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của Quảng Ninh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thời gian qua, huyện Đầm Hà đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Ông Hoàng Giang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, cho biết: Trong mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện xác định việc tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất là nền tảng quan trọng để góp phần phát huy thế mạnh những sản phẩm nông sản trên địa bàn. Từ đó, huyện tập trung đẩy mạnh khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hướng đi này đang từng bước phát huy hiệu quả khi mỗi sản phẩm nông sản của địa bàn đều có chất lượng cao hơn, giá trị từ đó cũng được nâng lên và được người tiêu dùng đón nhận.
Minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phải kể đến là lĩnh vực thủy sản. Đến nay, huyện đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống tôm, cá biển và nhuyễn thể, cung cấp thủy sản chất lượng, sạch bệnh cho tỉnh và khu vực phía Bắc. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư bài bản làm thay đổi diện mạo của ngành thủy sản trên địa bàn, như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản của Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh (Tập đoàn Việt - Úc) sản xuất trên 1 tỷ con giống/năm; HTX Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Bắc Việt sản xuất giống cá biển đạt 5,5 triệu con, nhuyễn thể đạt 65 triệu con/năm. Trong đó, riêng năm 2021, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đã sản xuất được gần 1,2 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng cung cấp cho thị trường Quảng Ninh và một số tỉnh vùng Đông Bắc, khu vực miền Trung. Công ty hiện đang triển khai xây dựng khu nuôi thử nghiệm trên diện tích 10ha, trong đó đang thử nghiệm con giống chịu nhiệt độ thấp, phù hợp với khí hậu mùa đông của khu vực miền Bắc.
Tính đến thời điểm này, huyện Đầm Hà có 5 HTX và 178 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng. Đặc biệt, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản với tổng diện tích 169,5ha, từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm về sản xuất giống thủy sản công nghệ cao.
Cùng với thủy sản các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp của huyện cũng từng bước chuyển dịch một cách hiệu quả. Như trong trồng trọt, những năm qua, huyện đã khuyến khích, định hướng người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là những vườn tạp, diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đến nay huyện có 174ha cây ăn quả các loại. Các loại cây ăn quả tuy mới đưa vào trồng nhưng rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương. Nhiều hộ mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây thanh long, cam, ổi, dưa lưới... Sản lượng cây ăn quả năm 2021 của huyện đạt trên 2.000 tấn, chiếm 20%% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của huyện.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp trên địa bàn đã nghiên cứu, đầu tư, áp dụng tiến bộ công nghệ trong trồng cây ăn quả trên địa bàn. Điển hình như Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà, thuê hơn 5ha đất nông nghiệp tại xã Quảng Tân để xây dựng trang trại trồng dưa lưới, cùng các loại rau, hoa theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Sau khi hệ thống nhà màng đầu tiên rộng 6.000m2 được lắp đặt xong, Công ty đã lựa chọn trồng thử dưa chuột, dưa lưới theo công nghệ VietGAP.
Trong lâm nghiệp, nhận thấy tiềm năng phát triển các sản phẩm từ cây quế, năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Công ty TNHH Hương gia vị Sơn Hà và Công ty CP Quế hồi Quảng Ninh bước đầu phối hợp xây dựng vùng quế hữu cơ với diện tích gần 250ha tại 2 xã Quảng Lâm và Quảng An. Công ty CP Quế hồi Quảng Ninh (xã Quảng Lâm) đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị chế biến sản phẩm quế thanh, bột quế theo hướng hữu cơ. Mặt khác, bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn người dân trồng quế trên địa bàn chú ý tăng cường độ phì nhiêu của đất, không sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, cỏ dại tổng hợp, phân bón tổng hợp.
Từ sự vào cuộc của 3 nhà (nhà nông, nhà đầu tư và nhà quản lý) cây quế nói chung, diện tích trồng quế hữu cơ nói riêng trên địa bàn huyện Đầm Hà ngày càng được phát triển, mang lại giá trị cao. Trung bình mỗi năm sản lượng vỏ quế tươi sau khai khác trên địa bàn là khoảng 600 tấn, năm cao điểm đạt 1.000 tấn, 1/3 trong đó được lựa chọn, thu mua, chế biến và xuất bán ra thị trường nước ngoài. Riêng các sản phẩm quế hữu cơ được xuất bán sang thị trường châu Âu, mức giá do doanh nghiệp thu mua nguyên liệu thô ngay tại vườn đồi luôn cao hơn 10-20% so với sản phẩm thông thường.
Trong chăn nuôi, Đầm Hà cũng có bước chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung. Nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao được triển khai trên địa bàn, như: Dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao của Tập đoàn MAVIN; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi bò sữa tập trung và liên kết với người dân tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn TH…
Thời gian tới, để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, huyện Đầm Hà có hướng hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa thông qua một số kênh thương mại trong cả nước; đẩy mạnh liên kết "4 nhà" để nâng cao hiệu quả chuỗi sản xuất.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()