Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:36 (GMT +7)
Đầm Hà: Tạo dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp
Thứ 2, 29/05/2023 | 06:40:13 [GMT +7] A A
Để tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, tạo dựng mỹ quan đô thị, nông thôn mới, huyện Đầm Hà chú trọng triển khai tốt công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Đồng thời phát động các phong trào thiết thực từ mỗi khu dân cư, phù hợp với đặc thù địa phương.
Theo số liệu của UBND huyện Đầm Hà, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng năm trên địa bàn huyện là gần 11.600 tấn. Trong đó, khoảng 80% là rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình, còn lại là rác thải từ các chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý được tiến hành chặt chẽ theo quy định, do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Bảo Linh phụ trách. Đơn vị bố trí công nhân, phương tiện chuyên dụng để thu gom từ 2-3 lần/ngày, riêng khu vực trung tâm thì có công nhân phụ trách quét dọn các tuyến đường, phố chính hằng ngày. 100% lượng chất thải sinh hoạt thu gom trong ngày đều đưa về khu bãi xử lý đặt trên địa bàn xã Dực Yên, tiến hành xử lý theo hình thức đốt (khoảng 70%), còn lại là chôn lấp ủ compost hợp vệ sinh, cơ bản không để rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường sống.
Để việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt có hiệu quả, huyện chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Ngay từ các xã, thị trấn chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện, thường xuyên kiểm tra đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường, đổ thải chất thải không đúng nơi quy định... để có biện pháp xử lý. Công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân cũng được quan tâm thực hiện, phát huy hiệu quả các đường dây nóng, kênh tiếp nhận đơn thư phản ánh về hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm căn cứ chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.
Một hoạt động đem lại hiệu quả cao trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Đầm Hà là tuyên truyền để người dân chủ động phân loại rác tại gia đình, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng. Rác hữu cơ, rác vô cơ và rác có thể tái chế đã được nhiều gia đình phân loại riêng, giúp việc vận chuyển và xử lý hiệu quả hơn, bền vững hơn. Nhờ đó, lượng rác thải sinh hoạt phải thu gom, xử lý tập trung được giảm thiểu, giảm tải cho bãi xử lý chôn lấp của huyện. Cụ thể, thông qua phát động, hướng dẫn của Hội LHPN, Hội Nông dân huyện, nhiều gia đình hội viên, nhân dân đã tích cực thu gom rác thải nhựa, kim loại, giấy bìa... để tái chế, bán cho các cơ sở thu gom phế liệu. Một phần đáng kể rác thải sinh hoạt cũng được xử lý thành phân hữu cơ sử dụng để bón rau màu, cây xanh tại các gia đình... Qua đó, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ rác thải thu gom phải chôn lấp xuống dưới 30%.
Nhìn chung, từ nỗ lực của chính quyền địa phương và ủng hộ của người dân, hiệu quả công tác vệ sinh môi trường tại huyện Đầm Hà từ nông thôn tới đô thị trung tâm được nâng lên rõ rệt. Nổi bật trong năm 2023, để chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và 75 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên huyện Đầm Hà, một cuộc thi xây dựng 75 tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp” đã được triển khai trong toàn huyện. Đây là dịp để các xã, thị trấn lan tỏa không khí thi đua sôi nổi, thiết thực về tận các khu dân cư, hộ gia đình về việc chung tay giữ gìn cảnh quan môi trường sống, làm khởi sắc diện mạo đô thị, nông thôn. Tại các cơ sở được lựa chọn tham gia, nhiều hoạt động trồng hoa, cây xanh, bổ sung thùng rác công cộng, vẽ tranh tường... đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng.
Hội LHPN huyện Đầm Hà là đoàn thể tiên phong trong các hoạt động bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nếp sống văn minh từ mỗi hội viên phụ nữ, từng chi, tổ hội cơ sở. Cụ thể, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân thực hiện hiệu quả các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", gắn với thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và triển khai 108 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, thu hút hơn 3.000 thành viên tham gia, như: Tổ phụ nữ thu gom rác thải; dùng làn đi chợ; biến rác thành tiền; phân loại rác thải tại gia đình; đoạn đường do phụ nữ quản lý; không thải chất thải ra môi trường... Hiện toàn huyện có 66/66 thôn, bản đã có hương ước về bảo vệ môi trường; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn trên địa bàn huyện Đầm Hà có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 99,8%; có nhà tắm hợp vệ sinh đạt 99,8%; có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 98,2%...
|
Văn Bá
- Kiểm tra việc chấp hành quy định về hoạt động nuôi trồng thuỷ sản biển và sử dụng vật liệu nổi trong môi trường biển
- Bộ TN-MT kêu gọi làm sạch môi trường, chống ô nhiễm rác thải nhựa
- Doanh nghiệp tích cực đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường
- 1.280 - là số mô hình phụ nữ bảo vệ môi trường đang hoạt động trên địa bàn tỉnh
Liên kết website
Ý kiến ()