Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:51 (GMT +7)
Đầm Hà phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Thứ 6, 26/02/2021 | 08:43:34 [GMT +7] A A
Thời gian qua, huyện Đầm Hà đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm địa phương trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Sản phẩm trứng vịt biển Tân Bình (huyện Đầm Hà) được bày bán tại Tuần bán hàng trực tuyến năm 2020. |
Những năm gần đây, sản phẩm trứng vịt biển Tân Bình (huyện Đầm Hà) được biết đến là một món ăn bổ dưỡng với quả to, vỏ dày, trứng ăn có mùi thơm, bùi, vị béo ngậy, nhiều lòng đỏ. Đây là sản phẩm trứng có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện trứng vịt biển Tân Bình đã được đánh giá là sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao.
Ông Đinh Văn Mân, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Tân Hải (thôn Tân Việt, xã Tân Bình), cho biết: Nhằm tạo dựng thương hiệu trứng vịt biển Tân Bình, chúng tôi luôn tuân thủ chặt chẽ các quy trình nuôi từ lấy giống cho tới chăm sóc. Vịt con được nhập về từ những trại giống có uy tín, được nuôi ở môi trường bãi triều ven biển, nơi có nhiều thức ăn. Đặc biệt, vịt được chăn thả ven biển nên rất khỏe mạnh, ít mắc bệnh và lớn theo môi trường tự nhiên nên rất đảm bảo về chất lượng. Hiện tại, HTX đang nuôi trên 1.700 con vịt đẻ, sản lượng thu hoạch khoảng 360.000 quả/năm và sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu, bao bì, mẫu mã và tiêu chuẩn chất lượng.
Tương tự, HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Tuyền Hiền của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền, tại thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà là đơn vị chuyên nuôi, sản xuất giống gà bản địa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và nuôi gà thương phẩm cung cấp cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện. Hiện HTX của anh Tuyền có trang trại gà rộng gần 2ha, hằng năm cung cấp cho thị trường 80.000 con gà giống và 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Hiện HTX đã mở rộng trang trại thêm 2ha nữa và đang đầu tư máy lạnh vào các khu vực nuôi để gà không bị nóng, dễ sinh dịch bệnh. Đây cũng là HTX chăn nuôi đầu tiên của huyện Đầm Hà có mô hình nuôi gà bằng máy lạnh. Năm 2020 vừa qua, sản phẩm gà bản Đầm Hà của anh Tuyền đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao.
Thực hiện chu trình phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững và có trọng tâm, Ban Điều hành OCOP huyện Đầm Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, tư vấn các tổ chức, cá nhân đăng ký phát triển sản phẩm mới. Trong giai đoạn 2017-2020 đã có thêm 14 sản phẩm đăng ký và được chấp thuận tham gia vào Chương trình OCOP. Trên cơ sở nhu cầu đăng ký, phát triển của các cơ sở, Ban Điều hành OCOP huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống tận cơ sở hướng dẫn về quy trình, thủ tục, chính sách hỗ trợ... để các cơ sở nắm được và chủ động triển khai thực hiện.
Sản phẩm gà bản Đầm Hà của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyền (bên trái) đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Ảnh: Anh Vũ |
Các tổ chức tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã có những bước tiến nhất định. Từ việc trông chờ, hoạt động kém hiệu quả, đến nay các HTX, hộ gia đình đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm, mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc, nhà xưởng… để nâng cao số lượng, chất lượng và mẫu mã bao bì sản phẩm.
Cùng với đó, Trung tâm OCOP huyện Đầm Hà hiện đang hoạt động có hiệu quả và là cầu nối quan trọng trong việc xúc tiến thương mại, quảng bá và bán sản phẩm cho các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trong huyện, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại OCOP tại các kỳ hội chợ và Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP… Tính đến hết năm 2020, huyện Đầm Hà có 29 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao.
Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực điều hành OCOP huyện Đầm Hà, cho biết: Bước sang năm 2021, huyện sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, xây dựng chủ trương phát triển sản xuất sản phẩm OCOP gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm OCOP chủ lực; tiếp tục thực hiện tốt các quy trình vệ sinh ATTP trong sản xuất và dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương tới đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()