Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:59 (GMT +7)
Đầm Hà: Đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản bền vững
Thứ 6, 28/01/2022 | 14:15:59 [GMT +7] A A
Với chiều dài bờ biển hơn 21km, vùng cửa sông, bãi triều có diện tích hơn 5.500ha, mặt biển hơn 12.000ha, huyện Đầm Hà đã và đang đẩy mạnh xây dựng quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng, từ đó phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.
Một trong những nội dung được Đầm Hà chú trọng thực hiện ngay từ sớm là xây dựng lộ trình cho ngành nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch phát triển tổng thể của địa phương.
Ngay sau khi Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị, Kế hoạch về phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND huyện Đầm Hà đã xây dựng kế hoạch theo lộ trình từng năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai rà soát, tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản. Định hướng chung gồm: Tăng sản lượng nuôi trồng, giảm sản lượng khai thác, đặc biệt khai thác ven bờ, phê duyệt quy hoạch chi tiết một số vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên địa bàn huyện. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất…
Đó là cơ sở để huyện chủ động thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản vào địa bàn. Toàn huyện hiện có 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích được giao 231,33ha, gồm: Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty TNHH Thiên Hoàng Minh, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, địa phương cũng dành nhiều cơ chế khuyến khích các hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản. Theo kết quả rà soát đến hết ngày 29/12/2021, trên địa bàn huyện có 1.473 hộ gia đình/cá nhân sử dụng đất, mặt nước để triển khai thực hiện nuôi trồng thủy sản với diện tích 1.356,88ha; 1.098 ô lồng nuôi cá biển.
Để nâng cao sản xuất, huyện đã định hướng các doanh nghiệp và người dân xây dựng và hình thành các vùng sản xuất tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá biển các loại; khu sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao; đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường. Một số doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, quy trình thực hành nuôi tốt VietGAP, nuôi nhà màng công nghệ cao; giải quyết cơ bản được việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Từ cách làm trên, sản xuất giống thủy sản của Đầm Hà đã đáp ứng cơ bản nhu cầu, tạo đột phá lớn thúc đẩy phát triển ngành thủy sản huyện thành trung tâm sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung lớn của tỉnh theo đúng mục tiêu, định hướng. Kết thúc năm 2021, sản lượng nuôi trồng 5.840 tấn đạt 75,35% kế hoạch, bằng 100,37% so với năm 2020.
Với mục tiêu phát triển nhanh, có chiều sâu nhưng phải thực sự bền vững, Đầm Hà đã đẩy nhanh việc chuyển đổi sang sử dụng vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản đảm bảo theo quy chuẩn địa phương. Đồng thời, thành lập tổ kiểm soát dịch bệnh; thực hiện quan trắc môi trường, thu mẫu giám sát để cảnh báo sớm môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Ông Đoàn Văn Tân, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, xã đã đa dạng hình thức tuyên truyền các quy định, chính sách có liên quan, tăng cường hoạt động phối hợp giữa các cơ quan cấp huyện trong kiểm tra, xử lý các ngư cụ cấm trong khai thác thủy sản, duy trì tuần tra bám biển tại các ngư trường trọng điểm, kiểm soát khai thác tại các cửa sông, suối, hồ trên địa bàn.
Năm 2022, ngành nuôi trồng thủy sản Đầm Hà tiếp tục đặt ra mục tiêu rà soát xin chủ trương Quy hoạch mở rộng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo mục tiêu, định hướng của tỉnh; quản lý chặt chẽ các quy hoạch nuôi trồng thủy sản, các đối tượng nuôi, không để phát sinh đối tượng nuôi ngoại lai; hoàn thành chỉ tiêu theo lộ trình thực hiện việc thay thế vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu phù hợp Quy chuẩn địa phương, thân thiện với môi trường.
Nguyễn Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()