Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:16 (GMT +7)
Đầm Hà: Phát triển chương trình OCOP hiệu quả, có chiều sâu
Thứ 7, 06/03/2021 | 10:00:56 [GMT +7] A A
Những năm qua, huyện Đầm Hà xác định ưu tiên phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và chương trình OCOP. Đến nay, nhiều nông sản của huyện được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Tham gia chương trình OCOP, sản phẩm củ cải Đầm Hà được nâng cao giá trị. |
Củ cải là một trong những cây trồng bản địa, được các hộ dân Đầm Hà trồng vào vụ đông. Trước đây, giá trị kinh tế của củ cải rất thấp, nên diện tích trồng còn nhỏ lẻ, năng suất thấp. Từ năm 2014, củ cải được lựa chọn là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện, có sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, nên người dân trên địa bàn đã mạnh dạn mở rộng diện tích, sản xuất 2 vụ/năm.
Năm 2015, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn được thành lập với 20 thành viên. Tham gia vào HTX, các thành viên được hướng dẫn kỹ thuật và quy trình chăm sóc cây củ cải theo hướng sản xuất tập trung, đảm bảo vệ sinh ATTP, năng suất, chất lượng nâng lên rõ rệt. Toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu với giá bình quân 3.000 đồng/kg củ tươi. Năm 2020, HTX chế biến 100 tấn củ cải mặn, củ cải phên; 10 tấn củ cải khô, tăng 5 tấn so với năm 2019. Với giá bán củ cải phên thành phẩm từ 40.000-50.000 đồng/kg, củ cải khô 130.000 đồng/kg, doanh thu của HTX năm 2020 đạt gần 6 tỷ đồng.
Ông Ty Văn Bích, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, cho biết: Hiện cả hai dòng sản phẩm củ cải khô và củ cải phên Đầm Hà do HTX chế biến đều được tỉnh xếp hạng 3 sao. Thời gian tới, HTX tiếp tục nâng cấp về chất lượng, mẫu mã, sử dụng hút chân không để có thể bảo quản sản phẩm trong thời hạn 1 năm.
Chả mực Khánh Đan là một trong số sản phẩm mới đăng ký tham gia chương trình OCOP. |
Triển khai chương trình OCOP, huyện xác định giải pháp quan trọng là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để thực sự là chủ thể. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp tập trung, lựa chọn các sản phẩm, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất. Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ để các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm, nhãn mác, bao bì sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại.
Sau 7 năm triển khai chương trình OCOP, huyện đã phát triển được 29 sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3-4 sao. Thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn của huyện đạt 56,8 triệu đồng/năm; huyện đạt 9/9 tiêu chí và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt huyện chuẩn NTM.
Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Với những kết quả đã đạt được, Đầm Hà đã chuẩn bị một chiến lược bài bản, thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm tiếp tục đưa chương trình OCOP phát triển hiệu quả, có chiều sâu. Đây là bước đi quan trọng tiếp theo để huyện thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()