Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:32 (GMT +7)
Tác phẩm dự thi Giải Búa liềm vàng Quảng Ninh năm 2024: Đầm Hà: Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 4, 09/10/2024 | 10:59:53 [GMT +7] A A
Đầm Hà là huyện miền núi có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31,67%. Những năm qua, huyện Đầm Hà đã tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Với quan điểm xuyên suốt Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia làm nòng cốt, công tác dân vận vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đầm Hà đã bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Huyện đã quán triệt và ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; ban hành chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh “về phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và các xã trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, LLVT thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm bám dân - bám bản, dễ hiểu - dễ làm, cầm tay chỉ việc phù hợp vùng đồng bào DTTS; cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Trung ương thành các chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của đồng bào DTTS.
Xác định phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã tập trung triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: hỗ trợ công nhân 1.300 ha quế đạt tiêu chuẩn Organic, triển khai Đề án trồng cây ăn quả tập trung; tổ chức tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, liên kết tạo ra chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh; xây dựng những sản phẩm mang thương hiệu của địa phương; nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.
Từ năm 2019 đến nay, đã có 366 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn ưu đãi với dự nợ cho vay là 28,412 tỉ đồng để phát triển kinh tế. Trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao. Công tác giảm nghèo, việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tích cực.
Cùng với đó, huyện đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình giao thông, công trình thủy lợi, nhà văn hóa, công trình điện, nước sạch, nâng cấp trường học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa chung sức xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”. Với tinh thần công khai, dân chủ, cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức tọa đàm, đối thoại với nhân dân, tổ chức lấy ý kiến, cùng bàn, cùng làm, cùng chia sẻ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với người dân. Qua đó, tạo được sự đồng thuận cao, nhân dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực đóng góp kinh phí, ngày công, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS được đẩy mạnh với những cách làm hay, có nhiều sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Cấp ủy, chính quyền tích cực phát động thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị ở địa phương như: phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng “xã, phường, thị trấn văn minh”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh được triển khai hiệu quả; góp phần xóa bỏ dần các hủ tục, tạo thói quen tốt, nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới như: mô hình chăn nuôi gà Bản Đầm Hà; mô hình cánh đồng lúa chất lượng cao, một giống, một quy trình sản xuất; mô hình hội viên phụ nữ thực hiện phân loại xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ thành phân vi sinh; mô hình “5 có, 3 sạch”; phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chuyển đổi số toàn diện, thúc đẩy du lịch địa phương...
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tăng cường, chú trọng tuyên truyền theo từng chủ đề, với nhiều hình thức phong phú như: kết hợp tuyên truyền pháp luật trong các cuộc họp tổ dân ở cơ sở, kết hợp với các đoàn thể vận động, thuyết phục; phát tờ rơi, kí cam kết thực hiện. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành liên quan từ huyện tới cơ sở, thường xuyên theo dõi và nắm chắc tình hình vùng tôn giáo, dân tộc và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh ngay từ cơ sở. Vai trò của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy. Từ phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả như: Mô hình “Xã điển hình về công tác dân vận, an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, mô hình Tổ nhân dân tự quản về ANTT, mô hình khu dân cư an toàn về PCCC, mô hình Camera quan sát đảm bảo ANTT. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi được tăng cường; an ninh dân tộc, tôn giáo, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi, rộng khắp như: Ngày hội Kiêng gió của người Dao, Chợ phiên Ba Nhất; chương trình "Về miền Sán cố", Lễ cầu mùa của người Dao, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Đình Đầm Hà được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Với những giải pháp triển khai cụ thể, thiết thực trong công tác dân vận, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đầm Hà chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, hệ thống kết cấu hạ tầng vùng DTTS được nâng cấp. Hiện nay 100% đường giao thông đến trung tâm thôn bản được nhựa, bê tông hóa, 100% dân số của huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh. 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng dân tộc miền núi được nâng lên. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt trên 74 triệu đồng/người/năm.
Thời gian tới, huyện Đầm Hà tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dân vận; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang trong thực hiện; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua "Dân vận khéo"; tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy nội lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Đầm Hà trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Thanh Nga (Trung tâm TT&VH huyện Đầm Hà)
Liên kết website
Ý kiến ()