Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:32 (GMT +7)
Đầm Hà: Phát triển vùng cây ăn quả tập trung
Thứ 2, 27/03/2023 | 11:42:00 [GMT +7] A A
Với những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, ngành Nông nghiệp huyện Đầm Hà những năm qua có bước phát triển đáng kể, trong đó có trồng cây ăn quả. Để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, huyện đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển vùng cây ăn quả tập trung huyện Đầm Hà đến năm 2030”.
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn
Theo Phòng NN&PTNT huyện, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp địa phương có nhiều khởi sắc. Huyện hiện có 43 HTX, gần 130 trang trại chăn nuôi, trồng trọt, trong đó có 1 HTX, 15 trang trại với nhiều giống cây có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; nhiều mô hình quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Tổng diện tích trồng cây ăn quả của huyện trên 160ha, sản lượng gần 650 tấn/năm. Dù còn khiêm tốn, nhưng nghề trồng cây ăn quả đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể, giúp đời sống khu vực nông thôn của huyện được nâng cao.
Từ chương trình xây dựng NTM, người dân huyện từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật, mô hình hiện đại; tích cực áp dụng KHKT mới vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu OCOP, sản xuất theo quy trình VietGAP...
Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, huyện còn những khó khăn, hạn chế. Mặc dù có nguồn tài nguyên cây ăn quả khá phong phú, nhưng quy mô trồng còn nhỏ, chủ yếu rải rác ở các vườn hộ gia đình. Kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, tưới tiêu của người dân chủ yếu là tự học, chưa đáp ứng quy mô sản xuất lớn; nguồn cây giống tốt còn thiếu; đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế... Triển khai Đề án “Phát triển vùng cây ăn quả tập trung huyện Đầm Hà đến năm 2030” được huyện xác định là chìa khóa tạo bước đột phá trong giai đoạn phát triển mới.
Bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, Đề án được xây dựng trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát kỹ về hiện trạng đất nông nghiệp, địa lý, địa hình, khí hậu, nhân lực và nhu cầu trồng cây ăn quả trên địa bàn 8 xã của huyện. Đồng thời tham khảo tối đa kết quả điều tra, nghiên cứu của địa phương trong tỉnh về quy hoạch cây ăn quả, nhu cầu thị trường; tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về ứng dụng các giải pháp hình thành, phát triển các vùng cây ăn quả tập trung phù hợp với thực địa của huyện. Các giải pháp mà Đề án đưa ra, kỳ vọng góp phần quan trọng thúc đẩy ngành Nông nghiệp huyện phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, đảm bảo sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Giải pháp đồng bộ, khoa học
Sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt (Quyết định số 3304/QĐ-UBND ngày 10/11/2022), UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai (số 39/KH-UBND ngày 22/2/2023) với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng giai đoạn, đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, hiệu quả.
Trước mắt trong năm 2023, huyện sẽ triển khai 4 mô hình thí điểm trồng 4 loại cây: Na, bưởi, chanh leo, mít, lần lượt tại các xã Tân Bình, Đại Bình, Đầm Hà, Quảng Lâm, tổng diện tích 3ha/xã. Phương án thực hiện được tuyên truyền rộng rãi; số lượng hộ dân đăng ký tham gia vượt chỉ tiêu đề ra. Trong tháng 4/2023, các xã sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện chính thức triển khai mô hình. Sau đó tiếp tục tiến hành bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... cho cán bộ phụ trách nông nghiệp và các hộ tham gia mô hình. Huyện phấn đấu đến năm 2030, diện tích cây ăn quả tập trung đạt trên 1.500ha, sản lượng 21.600 tấn/năm; trong đó khoảng 600ha sản xuất quả rải vụ, trái vụ.
Với những mục tiêu này, huyện xác định các nhóm giải pháp, phân công thực hiện nhiệm vụ cho từng đơn vị chuyên môn. Cụ thể: Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với Phòng NN&PTNT, UBND các xã lập kế hoạch, tổ chức đào tạo cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho các hộ tham gia mô hình; các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã vận động người dân dồn điền đổi thửa, liên kết sản xuất, phát triển HTX để thuận tiện áp dụng cơ giới hóa, kỹ thuật công nghệ cao, trao đổi thông tin thị trường; Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì nghiên cứu dự báo thị trường, tham mưu các chiến lược xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại phù hợp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và dần chiếm lấy thị trường trong và ngoài tỉnh...
Nhiều giải pháp cụ thể được đề ra, nhằm phát huy trách nhiệm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các chuyên gia khoa học, doanh nhân để lan tỏa tri thức, giúp nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu chính đáng, bền vững. Thành công cuối cùng là mỗi nông dân có sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức, hành động, đủ khả năng ứng phó với thách thức, tận dụng được cơ hội phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo số liệu Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà, đến hết 2022, diện tích cây ăn quả toàn huyện hiện có 162 ha; sản lượng ước đạt gần 650 tấn/ năm; diện tích trồng chủ yếu quy mô sản vườn hộ gia đình; tập trung vào một số đối tượng sau:
1. Cây vải, nhãn: Diện tích 84ha, sản lượng khoảng 191 tấn/ năm, tập trung tại các xã: Tân Bình, Dực Yên, Đầm Hà, Tân Lập. 2. Cây có múi (cam, quýt, bưởi): Diện tích 63ha; sản lượng 316 tấn/ năm, tập trung tại các xã: Tân Bình, Đầm Hà, Tân Lập, Quảng Tân. 3. Cây khác (cây hồng, xoài....): Diện tích 15ha, sản lượng 138 tấn/ năm, tập trung tại các xã: Tân Lập, Quảng Tân, Dực Yên, Quảng Lâm. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()