Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:59 (GMT +7)
Đầm Hà: Hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp
Thứ 3, 24/12/2019 | 08:23:30 [GMT +7] A A
Với tinh thần chủ động, mạnh dạn trong đổi mới phương thức sản xuất, hiện trên địa bàn huyện Đầm Hà xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, có quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Đầm Hà sớm trở thành vùng trọng điểm sản xuất, chế biến, cung cấp nông sản của tỉnh.
Chăm sóc rau trong nhà lưới của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà. |
Cuối năm 2015, nhận thấy nhu cầu về con giống có chất lượng cao của người dân địa phương là rất lớn, anh Nguyễn Văn Tuyền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân) mạnh dạn thế chấp vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng để đầu tư mở rộng diện tích chăn nuôi, xây dựng chuồng trại và mua sắm trang thiết bị máy móc. Sau khi tự mày mò làm chủ công nghệ thụ tinh nhân tạo và bắt đầu ổn định việc cung cấp gà giống ra thị trường, anh Tuyền đã vận động 6 hộ trong thôn cùng tham gia thành lập HTX Tuyền Huyền, chuyên sản xuất gà giống và nuôi gà thương phẩm địa phương. Đến nay, HTX Tuyền Huyền có trang trại nuôi gà rộng gần 2ha, hàng năm cung cấp cho thị trường hơn 80.000 con gà giống và 30.000 con gà thương phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Tháng 6/2019, giống gà bản Đầm Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Điều đáng nói là từ sự thành công của HTX Tuyền Huyền đã tạo động lực để người dân trên địa bàn huyện mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Quảng Tân hiện đã có hàng chục trang trại chăn nuôi gà bản Đầm Hà với quy mô đàn từ 1.000 đến 1.500 con cho hiệu quả kinh tế cao. Từ địa phương chỉ có một vài trang trại chăn nuôi tập trung, đến nay, huyện đã có 59 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn (chiếm gần 50% tổng đàn gia súc, gia cầm của huyện).
Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều HTX cũng đã mở rộng quy mô diện tích, ứng dụng KHCN để tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực có thương hiệu của địa phương như gạo Bao Thai, củ cải, đỗ tương, lạc... Điển hình như sản phẩm củ cải Đầm Hà, hiện diện tích trồng củ cải ở xã Đầm Hà, Quảng Lợi đã mở rộng trên 50ha, sản lượng khoảng 60-80 tấn/ha (tăng gấp 2 lần so với năm 2014). Hay như với sản phẩm gạo Bao Thai, nhận thấy sức tiêu thụ của gạo tại các hội chợ OCOP khá lớn, bên cạnh việc phục tráng giống lúa Bao Thai gen nguyên chủng, HTX Thương mại và Dịch vụ Tuấn Hùng đã thuê lại 15ha đất lúa của các hộ dân và đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Năm 2019, năng suất lúa Bao Thai đã đạt 45 tạ/ha cao nhất trong các vụ mùa kể từ trước đến nay.
HTX Thương mại dịch vụ và sản xuất nông, lâm, thủy sản Tuấn Hùng kiểm tra tình hình sinh trưởng của giống lúa Bao Thai. |
Để đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch ngày càng tăng cao, năm 2019, Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà cũng đã tiến hành lắp đặt thêm 4.000m2 nhà màng, nâng tổng diện tích nhà màng đạt gần 18.000m2, đưa sản lượng rau, củ, quả có thể đạt trên 100 tấn/năm. Riêng đối với sản xuất thủy sản, Công ty CP Thủy sản Việt Úc hiện cũng đã hoàn thiện xong 14 trại giống và cung cấp ra thị trường được 1 tỷ con giống.
Song song với việc hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy người dân và các doanh nghiệp phát triển, năm 2019 tiếp tục được cho là một năm thành công của huyện trong lĩnh vực nông nghiệp khi thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm, đầu tư như: Chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Dực Yên, của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thái Bình Dương với công suất đàn lợn nái 2.400 con/năm; nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn FLC tại xã Tân Bình và xã Quảng Lâm với diện tích khoảng 545ha, khu vực xã Dực Yên và xã Quảng An với diện tích khoảng 688ha... Khi những dự án này được triển khai, đi vào hoạt động, việc Đầm Hà trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp sẽ sớm trở thành hiện thực.
Hoàng Thu
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()