Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:25 (GMT +7)
Đầm Hà: Chăm lo cho giáo dục vùng cao
Thứ 7, 18/02/2023 | 13:52:49 [GMT +7] A A
Nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các địa phương trên địa bàn, nâng cao chất lượng công tác giáo dục vùng cao, huyện Đầm Hà đã xây dựng, triển khai Đề án "Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Huyện Đầm Hà có xã Quảng An và xã Quảng Lâm là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Năm 2020 cả 2 xã này đã thoát diện xã đặc biệt khó khăn, hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục và đào tạo còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của huyện. Cơ sở vật chất mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn còn thiếu nhiều, chưa đảm bảo điều kiện đạt chuẩn quốc gia.
Để thay đổi mạnh mẽ công tác dạy và học trên địa bàn 2 xã, huyện chỉ đạo ngành Giáo dục tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục; tăng cường dạy học thông qua thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đặc biệt tăng cường công tác vận động học sinh ra lớp, bồi dưỡng tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số mầm non và tiểu học. Các giáo viên tại những địa bàn xa xôi được động viên, khích lệ học tiếng dân tộc để tiếp cận với học sinh, phụ huynh một cách tốt nhất, đồng thời truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách dễ dàng.
Đến nay, 2 xã Quảng An, Quảng Lâm đều đủ 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS; hệ thống trường lớp được đầu tư kiên cố hóa, đầy đủ lớp học; không có phòng học tạm. Đến năm 2020, 100% trường học của 2 xã đạt chuẩn quốc gia. Đây là một nỗ lực không hề nhỏ của ngành Giáo dục huyện.
Năm học 2022-2023 ngành Giáo dục huyện có những tiền đề tốt cho công tác dạy và học. Đó là quy mô mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng; trang sắm những thiết bị ngày càng hiện đại, góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đảm bảo hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống; tổ chức các hoạt động trải nghiệm; xây dựng, phát triển thư viện trường tiểu học đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực học sinh.
Thực hiện phương châm “Không có giáo viên tốt thì không có nhà trường tốt, không có giáo dục tốt thì không có chất lượng cao”, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ luôn được huyện chỉ đạo ngành Giáo dục quan tâm, chú trọng. Đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên luôn tích cực học tập, thi đua, áp dụng các kỹ thuật dạy học tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Thời gian tới, ngành Giáo dục huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trong công tác giáo dục, đặc biệt là Đề án "Phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu là trẻ em, học sinh ngày càng được gia đình, nhà trường, xã hội chăm lo phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ; thân thể khỏe mạnh, trí tuệ thông minh; sống có lý tưởng, tình yêu và nhân ái.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()