Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:36 (GMT +7)
Đầm Hà chăm lo cho giáo dục đào tạo
Thứ 6, 09/12/2022 | 14:01:05 [GMT +7] A A
Từ một huyện miền núi thiếu trường, thiếu lớp, ít học sinh, đến nay giáo dục huyện Đầm Hà không ngừng đổi mới, đạt nhiều thành tích nổi bật; học sinh, nhất là học sinh vùng dân tộc thiểu số, được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ học tập...
Năm học 2022-2023, huyện đã đầu tư nâng cấp, xây dựng 10 công trình cho các trường học, tổng kinh phí trên 51 tỷ đồng; mua sắm, bổ sung bàn, ghế, trang thiết bị trên 2,4 tỷ đồng; đầu tư bổ sung cơ sở vật chất và xây dựng trường chất lượng cao trên 200 tỷ đồng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đến nay, huyện có 29 trường học với 58 điểm trường lẻ; 377 lớp với 10.895 học sinh; 26 trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Một trong những kết quả nổi bật của GD&ĐT huyện trong những năm qua là công tác giáo dục dân tộc, giáo dục miền núi luôn được quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho con em vùng đồng bào DTTS, miền núi đều được đến trường.
Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên được tăng cường về số lượng và chất lượng. Đến nay, cán bộ quản lý và giáo viên cấp mầm non có trình độ chuẩn và trên chuẩn đạt 97,8%; cấp tiểu học là 78,6%; cấp THCS là 92,2%.
Thực hiện Đề án 25, ngành GD&ĐT huyện đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương, như: Giảm các điểm trường lẻ, đưa học sinh về điểm trường trung tâm; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để chuyển đổi vị trí việc làm cho số giáo viên, nhân viên dôi dư sang làm nhân viên thư viện, giáo viên mầm non; điều động, phân bổ lại đội ngũ giáo viên, nhân viên giữa các trường; thi tuyển các chức danh lãnh đạo các trường mầm non, THCS, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả.
Được sự quan tâm đầu tư của huyện, ngành GD&ĐT huyện đã tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. Các trường tích cực đổi mới công tác quản lý, dạy và học theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”; tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục kỹ năng sống phù hợp với từng lứa tuổi; tăng cường tổ chức các chuyên đề ở các khối lớp, các bộ môn, phát huy phương pháp giảng dạy khoa học sáng tạo, khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần hăng say học tập của học sinh.
Năm học 2021-2022, huyện có 24 em đoạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp tỉnh; 15 em đoạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa THPT cấp tỉnh; 96 em đoạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp huyện; 1 giải Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh; 10 giải Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp huyện; 1 HCĐ cấp quốc gia Cuộc thi Olympic Tiếng Anh trên mạng Internet; 1 giải thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT cấp tỉnh; 2 giải khuyến khích cấp quốc gia Cuộc thi ATGT cho nụ cười ngày mai...
Thời gian tới, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; tăng cường dạy học thông qua thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hoài Minh - Thanh Nga
Liên kết website
Ý kiến ()