Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 08:59 (GMT +7)
Đậm đà nét văn hóa biển ở Lễ hội đền Bà Men
Chủ nhật, 17/03/2024 | 15:52:50 [GMT +7] A A
Lễ hội đền Bà Men là lễ hội độc đáo diễn ra trong lòng Di sản Vịnh Hạ Long, có nhiều nét riêng, khác biệt, mang đậm nét văn hóa biển của ngư dân trên Vịnh Hạ Long và vùng lân cận.
Đền Bà Men nằm trên đảo Đầu Bê, trong vùng lõi của Di sản Vịnh Hạ Long. Tương truyền, bà Men cùng nhóm người phụ nữ đi biển, gặp giông gió đắm thuyền, thác vào giờ thiêng. Xác các bà dạt vào các đảo trên Vịnh Hạ Long, Cát Bà được ngư dân an táng, lập đền thờ.
Trong đó, Bà Men dạt vào đảo Đầu Bê được ngư dân lập đền thờ, rất linh ứng, được suy tôn thành vị thần bảo hộ. Ngư dân trong vùng thường ghé vào thắp hương, lễ bái trước chuyến đi biển để cầu mong thuận buồm xuôi gió, đánh bắt được nhiều hải sản.
Diễn ra vào ngày 18-19 tháng Giêng hằng năm, lễ hội đền Bà Men là sự kiện quan trọng với ngư dân trên Vịnh Hạ Long và vùng lân cận. Ông Nguyễn Bá Căn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn 2 (Ban Quản lý Vịnh Hạ Long), chia sẻ: Đền Bà Men không chỉ đắc địa về vị trí địa lý mà còn có vai trò quan trọng trong tâm thức ngư dân. Với ngư dân vùng biển Hạ Long, Cát Bà, lễ hội đền Bà Men như lễ cầu an, mong ước mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi trên biển. Lễ hội này có nhiều điểm độc đáo, riêng có của ngư dân trên vịnh.
Về địa lý, đền nằm trên đảo Đầu Bê, tọa lạc ngay ngã ba của 3 khu vực Hải Phòng, Quảng Yên và Hạ Long, cửa ngõ vào lạch Vạn, nơi nhiều luồng tàu ra vào và nằm trên hải trình đánh bắt của ngư dân Cát Bà, Quảng Yên và đảo Đầu Bê (Vịnh Hạ Long). Với ngư dân trên Vịnh, đi đánh bắt trên biển, họ hiểu được sự khắc nghiệt, bất thường của mưa gió, giông bão. Vì thế, lễ hội đầu năm này được coi như lễ mở cửa biển, lễ cầu an trước những chuyến biển lớn sau Tết Nguyên đán, mong được thần phù hộ, che chở.
Ngư dân rất xem trọng lễ hội này, đặc biệt phần lễ thường được tổ chức cẩn thận, công phu, thậm chí còn thuê các đoàn tế lễ nổi tiếng từ Hà Nam (Quảng Yên) hoặc từ Thái Bình về. Mỗi đoàn, đội đi lễ đều có đội tế hay thầy làm lễ riêng. Lễ vật cũng rất đặc biệt, ngoài hoa trái không thể thiếu vật dụng như áo, mũ, hài… cho Bà. Đồ mặn dâng lên không thể thiếu hải sản, sản vật do chính ngư dân đánh bắt được, như: Tôm, cá, sò, ngao… Đây là điểm khác biệt so với nhiều nơi.
Nghi lễ ở đền kết thúc bằng lễ tạ ơn nhỏ của các đoàn và thủ nhang đền. Sau lễ đầu năm này, thường các đoàn đều tụ về đền làm lễ tạ vào dịp cuối năm, hàm ý báo cáo công việc, trả ơn vị thần đền đã che chở, bảo hộ cho gia đình làm ăn phát đạt trong năm qua.
Phần hội có nhiều hoạt động thể thao, trong đó độc đáo nhất là hội đua thuyền rồng. Hội đua thuyền rồng được tổ chức ở hòn Cật Bà (vùng nước rộng trước cửa đền) ngay vào đầu giờ chiều, sau khi kết thúc phần lễ. Thuyền đua là thuyền rồng dân gian, có kích thước, mái dầm tương tự nhau.
Các đội tham gia thi là đội Hùng Thắng, Cống Đầm, Cửa Vạn, Quảng Yên, Cao Minh (Cát Bà)... Việc chọn giờ, con nước tốt đều do thủ nhang đền chọn, sao cho con nước vừa phải để thuyền không cạn, dễ chèo và để nước ngập sâm sấp, dành bãi cát cho thuyền cập và cho người dân đứng cổ vũ. Theo quan niệm của ngư dân, đội nào thắng trong cuộc đua thuyền, năm đó ngư dân nơi đó sẽ gặp nhiều may mắn, đánh bắt được nhiều hải sản. Vì thế, các đội tham gia thi đấu rất nhiệt tình.
Gần đây, lễ hội đền ngày càng được tổ chức công phu, quy củ với sự tham gia hướng dẫn, hỗ trợ của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, chính quyền TP Hạ Long. Lễ hội thu hút đông đảo du khách bốn phương về tham dự, thậm chí cả du khách nước ngoài.
Có thể thấy, lễ hội truyền thống này giữ được nhiều nét đặc sắc, độc đáo của văn hóa ngư dân vùng Vịnh Hạ Long và các vùng lân cận. Đây là điểm độc đáo, góp phần thúc đẩy quảng bá giá trị di sản, thúc đẩy du lịch tâm linh trong lòng di sản.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()