Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 10:46 (GMT +7)
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mùa Covid-19
Thứ 7, 19/09/2020 | 13:41:30 [GMT +7] A A
Bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, công tác đảm bảo VSATTP có vai trò rất quan trọng, giúp tăng cường sức đề kháng trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) kiểm tra bếp ăn tập thể của Công ty CP Du lịch và Thương mại - Vinacomin, Chi nhánh Vân Long (TP Cẩm Phả). |
Theo thống kê của Sở Công Thương, đến nay trên địa bàn tỉnh có 7 trung tâm thương mại; 11 siêu thị tổng hợp có kinh doanh thực phẩm; 80 cửa hàng tiện lợi (72 cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 4 cửa hàng Circle K, 4 cửa hàng nông sản sạch); 133 chợ và hơn 5.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang hoạt động.
Trước tình hình dịch tái bùng phát, việc kiểm tra hoạt động VSATTP của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ... được lực lượng chức năng tích cực thực hiện.
Các ngành Công Thương, NN&PTNT cùng Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát về công tác bảo đảm VSATTP và phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở chế biến, kinh doanh hàng hóa thực phẩm. Đồng thời có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở kinh doanh tập trung đông người... tái thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, như kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn tay.
Sở Công Thương đã phối hợp kiểm tra ATTP dịp Tết Trung Thu 2020 tại một số cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Hạ Long. Ảnh: Minh Đức |
Để nâng cao hiệu quả quản lý VSATTP, tăng cường khả năng giám sát, kịp thời cảnh báo người tiêu dùng, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng, Sở Công Thương đã bổ sung bộ test kít kiểm tra nhanh các chỉ tiêu VSATTP tại các chợ trung tâm trên địa bàn TP Uông Bí, TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái.
Công tác test nhanh thực phẩm tại chợ nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng cũng như các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ. Tất cả các mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu về VSATTP được tiêu hủy, đồng thời ban quản lý chợ thông báo trên loa phát thanh để người tiêu dùng biết mua và lựa chọn thực phẩm an toàn.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) cho biết: Để phòng, tránh lây nhiễm, mỗi tuần tôi đi chợ mua thực phẩm một lần. Thực phẩm được phân loại để túi bọc thực phẩm trong tủ lạnh ăn dần. Mỗi lần đến chợ, tôi thực hiện việc đeo khẩu trang và rửa tay với xà phòng, nước sát khuẩn tay nhanh sau khi về nhà. Đồng thời chọn mua thực phẩm ở những nơi uy tín, người quen nên yên tâm về chất lượng.
Đường dây nóng phản ánh vi phạm về VSATTP: 0981.815.815 (Sở Y tế); 0904.055.779 - 0984.696.866 (Sở Công Thương) |
Bên cạnh các biện pháp phòng, chống đã được thực hiện ngay từ khi dịch mới bùng phát, các đơn vị kinh doanh cũng đã triển khai thêm những phương án duy trì khoảng cách an toàn, nhắc nhở khách hàng có ý thức hạn chế tiếp xúc quá gần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Chị Vũ Phương Dung, chủ quán cơm Thạch Sanh (TP Hạ Long), chia sẻ: Quán cơm của gia đình tôi đi vào hoạt động từ tháng 6/2020. Ngay khi dịch Covid-19 tái bùng phát, chúng tôi đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, như bố trí nơi rửa tay, sát khuẩn tay nhanh cho khách hàng... Trong quá trình chế biến thức ăn, bếp ăn thực hiện việc đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn, kê lại bàn ghế giãn cách.
Các quán cơm đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. |
Để không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người tiêu dùng cần tuân thủ nghiêm các biện pháp về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo VSATTP.
Cụ thể, cần sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm; không sử dụng thịt vật nuôi bị ôi, hỏng; tránh xa khu vực chứa chất thải và nước thải trong chợ; tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.
Đối với việc chế biến thực phẩm tại nhà, người tiêu dùng cần sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín. Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn...).
Nguyễn Hoa
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()