Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:55 (GMT +7)
Đảm bảo tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới
Thứ 3, 18/06/2024 | 15:59:35 [GMT +7] A A
Môi trường là một tiêu chí khó trong chương trình xây dựng NTM, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, nơi mà điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trên địa tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Lục Hồn là xã vùng cao của huyện Bình Liêu với 90% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, trước đây, đường sá vốn chật hẹp, nhiều đồi núi, suối khe khiến cho giao thông đi lại khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm có chuồng trại xây cạnh nhà ở nên còn gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, việc xả rác, chất thải ra ngoài đường, mương máng, khe suối vẫn còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, khi bắt tay xây dựng NTM, cùng với đầu tư hạ tầng, xã Lục Hồn đã chọn tiêu chí về môi trường làm khâu đột phá để triển khai thực hiện. Hội phụ nữ và các tổ chức đoàn thể đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Bên cạnh đó, xã đã tận dụng các nguồn chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và các cơ quan, doanh nghiệp giúp cho các hộ di dời, xây dựng chuồng trại, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh.
Điển hình như tại thôn Khe O đã từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường do có đàn gia súc lớn với trên 100 con trâu, bò. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc bà con chăn nuôi thả rông còn nhiều, dẫn tới việc môi trường làng bản không được sạch đẹp, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống.
Nhờ sự vận động, tuyên truyền và hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, ở sạch, ăn uống sạch đã dần nâng cao. Bởi vậy, đến nay, Khe O đã hình thành được một khu chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung; tất cả các chất thải đã được ủ để làm phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp. Hầu hết các hộ cũng đều có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Bình Liêu về bảo vệ môi trường đã nâng cao, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 90% và đối với các xã nâng cao đạt 98%; số hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 50%; chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu đạt trên 80%; chất thải nhựa trên địa bàn được thu gom tái chế sử dụng đạt trên 90%; đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn đạt 4m2/người.
Môi trường là tiêu chí số 17 trong 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Xác định rõ, đây là tiêu chí khó nên các địa phương của tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực và nghiêm túc triển khai thực hiện và thông qua công tác tuyên truyền vận động đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân và các cơ quan, doanh nghiệp.
Về chất thải rắn sinh hoạt, hiện nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1,2 tấn/ngày. Tỉnh đã tập trung đầu tư các khu xử lý chất thải rắn tập trung, đến nay đã có 9/13 địa phương với tổng số 19 lò đốt rác đang hoạt động, cơ bản đảm bảo giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn trên địa bàn toàn tỉnh, đáp ứng tiêu chí về môi trường theo quy định.
Đối với chăn nuôi trang trại, 100% các cơ sở có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đã áp dụng biện pháp xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi, giảm thiểu khí nhà kính; nhiều cơ sở đã áp dụng biện pháp xử lý bằng công nghiệp biogas để dùng nấu.
Việc giữ gìn vệ sinh môi trường không chỉ là nhiệm vụ của riêng các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường mà còn là sự tham gia và quan tâm chung của toàn xã hội, của các cấp, các ngành và của mỗi tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân. Ở các vùng từ thành thị đến nông thôn, phong trào trồng, chăm sóc cây xanh tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình đã trở thành thói quen của mỗi người dân và đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Cùng với bảo vệ môi trường thì việc xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung cũng đã được quan tâm nhằm đảm bảo sức khỏe, đời sống người dân khu vực nông thôn, miền núi. Trong 3 năm trở lại đây đã có 18 công trình cấp nước tập trung ở địa bàn các xã trong lộ trình hoàn thành các tiêu chí xã, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; nâng tổng số công trình trên địa bàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tỉnh đang xây dựng và hoàn thiện Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 nhằm nâng cao tỷ lệ cấp nước sạch đạt chuẩn trên địa bàn toàn tỉnh.
Những cách làm thiết thực, hiệu quả đang dần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong tham gia bảo vệ môi trường từ thói quen sinh hoạt đến sản xuất. Chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng nếp sống xanh trong cộng đồng dân cư và góp phần hiện thực hóa các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM.
Tính đến hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tiêu chí, chỉ tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM, về sớm hơn 2 năm so với mục tiêu của Chính phủ giao. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 73,952 triệu đồng/người/năm. Đời sống, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi ngày càng được cải thiện.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()