Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:35 (GMT +7)
Đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách
Thứ 6, 22/04/2022 | 08:22:51 [GMT +7] A A
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu NSNN trên địa bàn đạt hơn 52.000 tỷ đồng. Đây là số thu lớn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do thời gian qua các ngành, lĩnh vực đều chịu tác động trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Điều này đặt ra cho các cấp, ngành cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn lực tăng thu, đảm bảo nguồn thu cho NSNN.
Quyết tâm cao từ quý đầu
Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Nghị quyết 68/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2022, UBND tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 (Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 28/1/2022), với mục tiêu thu NSNN đạt 52.600 tỷ đồng.
Để đảm bảo kế hoạch, chỉ tiêu thu NSNN, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường rà soát các nguồn thu, đẩy mạnh tăng thu, chống thất thu trên cơ sở hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn; thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, nhất là đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với ngành thuế tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 384/QĐ-UBND ngày 14/2/2022 về một số cơ chế và biện pháp điều hành NSNN năm 2022; phối hợp với Kho bạc Nhà nước ban hành hướng dẫn số 1391/HDLN-STC-KBNN ngày 23/3/2022 về một số điểm tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022. Trong đó, giao cho các ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, tiềm năng, lợi thế sẵn có xây dựng kế hoạch thu NSNN theo từng tháng, quý; giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp củng cố, cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Kết thúc quý I, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt trên 12.500 tỷ đồng, đạt 24% dự toán tỉnh giao, đạt 116% so với kịch bản tăng trưởng quý I, đạt 115% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 9.700 tỷ đồng, bằng 23% dự toán tỉnh giao, đạt 110% kịch bản tăng trưởng quý I, đạt 114% so với cùng kỳ 2021; thu thuế XNK đạt 2.850 tỷ đồng, đạt 27% dự toán tỉnh giao, đạt 140% kịch bản tăng trưởng quý I, đạt 122% so với cùng kỳ năm 2021. Nhìn vào kết quả thu cho thấy, cả 2 nội dung thu đều tăng so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra và cao hơn so với cùng kỳ 2021. Đây là con số cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh quý I có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài và tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực.
Trong đó, Cục Thuế Quảng Ninh thu quý I đạt 6.509 tỷ đồng, đạt 25% dự toán, đạt 103% so với cùng kỳ; các địa phương thu đạt 3.190 tỷ đồng, đạt 21% dự toán, đạt 144% so với cùng kỳ. Một số địa phương có số thu đạt cao là: Vân Đồn (57%); Cẩm Phả (32%); Uông Bí (25%); Đông Triều (38%); Quảng Yên (38%); Tiên Yên (29%); Ba Chẽ (30%).
Cũng trong quý I, có 10/18 khoản thu nội địa hoàn thành kịch bản, đó là: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý (đạt 136% kịch bản); thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 108% kịch bản); thuế thu nhập cá nhân (đạt 145% kịch bản); lệ phí trước bạ (đạt 103% kịch bản); thu tiền sử dụng đất (đạt 115% kịch bản); tiền thuê mặt đất, mặt nước (đạt 179% kịch bản); các khoản thu tại xã (đạt 571% kịch bản); thu khác ngân sách (đạt 165% kịch bản)...
Ông Cao Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho biết: Công tác thu đã được các đơn vị triển khai tốt, đa phần các sắc thuế đều hoàn thành kịch bản thu. Số nộp của các đơn vị trọng điểm (than, điện) cơ bản đảm bảo tiến độ. Số thu từ khu vực ngoài quốc doanh tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, bia và nước giải khát. Thuế thu nhập cá nhân tăng cao do tăng thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chứng khoán, tiền lương, tiền công...
Gỡ khó, quyết tâm hoàn thành mục tiêu
Qua đánh giá của ngành thuế, ngoài một số khoản thu không giao trong quý I, có 3/18 khoản thu của tỉnh không hoàn thành theo kịch bản thu là: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế bảo vệ môi trường, thu phí và lệ phí. Bên cạnh đó có 6/13 địa phương mặc dù đã có sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên số thu NSNN không đạt tốc độ bình quân là: Hạ Long (14%); Móng Cái (15%); Hải Hà (13%); Đầm Hà (12%); Bình Liêu (15%); Cô Tô (8%).
Nguyên nhân được xác định do thu tiền sử dụng đất và thu từ thuế, phí của các địa phương này không đạt theo kỳ vọng. Từ đó đặt ra bài toán, các sở, ngành liên quan và địa phương của tỉnh cần phải cố gắng nỗ lực rất nhiều trong quý II và cả năm.
Theo đó, ngay trong quý II, kế hoạch thu do cơ quan thuế và hải quan xây dựng phải đạt 12.509 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 25.059 tỷ đồng, đạt 48% dự toán tỉnh giao, đạt 101% kịch bản, bằng 107% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, thu nội địa thực hiện quý II là 10.129 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 19.829 tỷ đồng, đạt 47% dự toán tỉnh giao, đạt 100% kịch bản, bằng 109% so với cùng kỳ 2021; thu XNK thực hiện quý II đạt 2.380 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 5.230 tỷ đồng, đạt 49% dự toán tỉnh giao, đạt 106% kịch bản, bằng 100% so với cùng kỳ 2021.
Để đạt được số thu NSNN quý II và 6 tháng đầu năm như kỳ vọng, Sở Tài chính hiện đang bám sát Nghị định 15/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành chính sách thu, chi NSNN. Trong đó, yêu cầu Cục Thuế tỉnh, UBND các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu NSNN, khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Quyết tâm hoàn thành dự toán năm 2022 đối với các khoản thu thuế, phí, thu khác, tập trung thu đối với khu vực ngoài quốc doanh, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân. Tập trung đôn đốc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang còn nợ đọng thuế, tạm dừng các giao dịch hành chính đối với những trường hợp chây ỳ nộp thuế trong phạm vi thẩm quyền.
Bám sát nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, nhiều cơ quan, địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động tăng thu NSNN, chống thất thu, nhằm đảm bảo mục tiêu đã đề ra. Tại Chi cục Thuế khu vực Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô, mặc dù trong quý I, đơn vị này thu NSNN đạt rất cao, trên 1.300 tỷ đồng, đạt 57% dự toán tỉnh giao, đạt 49% dự toán phấn đấu do các địa phương giao và bằng 362% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên, không vì thế mà đơn vị chủ quan trước khoản thu, sắc thuế được xác định trong quý II.
Ông Bùi Chí Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô, cho biết: Đơn vị đã nghiêm túc phân tích, đánh giá các khoản thu trong quý I và thấy rằng việc vượt tiến độ thu trong quý tại địa bàn Cẩm Phả và Vân Đồn là do phát sinh số thu nộp từ tiền sử dụng đất, còn lại các khoản thu về thuế, phí chưa đạt tiến độ thu. Từ đó, đơn vị xác định trong quý II sẽ thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; tích cực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, quyết định đầu tư các dự án trên địa bàn thành phố nhằm tạo thêm việc làm cho người dân và đóng góp cho NSNN.
Còn tại Cục Hải quan tỉnh, thực hiện kế hoạch thu quý II đạt 2.380 tỷ đồng, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên bám sát địa bàn, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình XNK các mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, những mặt hàng mới, tiềm năng, mở rộng đối tượng thu; thu hút các doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại Quảng Ninh. Cùng với đó, thực hiện nhóm giải pháp chống thất thu với việc áp dụng quản lý rủi ro, chống thất thu qua giá và quản lý nợ.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cao Tường Huy chỉ đạo: Để đảm bảo kịch bản thu NSNN quý II, các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, khai thác các nguồn thu, chống thất thu NSNN. Các cấp ngân sách phải rà soát, cân đối thu - chi, cắt giảm tối đa các khoản chi chưa thực sự cấp bách. Ngân sách tỉnh không cấp bù kinh phí chi thường xuyên cho các địa phương trong trường hợp hụt thu. Rà soát tổng thể thực trạng về cơ cấu sử dụng đất ở các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, nhằm xác định nghĩa vụ tài chính của dự án, tuyệt đối không để thất thu NSNN.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()