Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:09 (GMT +7)
Đảm bảo sự bền vững trong sử dụng đất đai
Thứ 6, 31/03/2023 | 06:15:01 [GMT +7] A A
Quản lý, sử dụng đất đai có hiệu quả, tiết kiệm là nhiệm vụ quan trọng của nhà nước, là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu ổn định chính trị - xã hội. Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác quy hoạch, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần sử dụng tài nguyên đất đai một cách hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững KT-XH.
Công tác quy hoạch được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được công bố tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, tổ chức tại Quảng Ninh tháng 2 vừa qua. Đây là bản Quy hoạch tỉnh đầu tiên được phê duyệt trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, hiện đang triển khai xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Song song với đó, tỉnh cũng tăng cường xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố đồ án quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040; phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của các địa phương là Cẩm Phả, Đông Triều, Ba Chẽ và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung các địa phương là Hải Hà, Uông Bí và Tiên Yên. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030; đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ thành lập TP Đông Triều; triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU (ngày 12/12/2022) của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW (ngày 24/1/2022) của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch sử dụng đất 2023 của 13/13 địa phương cũng được tỉnh chỉ đạo ban hành. Trong đó, rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao chỉ tiêu phân bổ cho các địa phương để chuẩn bị ít nhất 50.000 suất tái định cư phục vụ công tác GPMB, thu hồi đất giai đoạn 2021-2030; rà soát, trình cấp có thẩm quyền danh mục công trình dự án nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đợt I/2023 trên địa bàn tỉnh; phê duyệt giá đất cụ thể đối với Dự án Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long); Dự án Khu nhà ở thương mại (khu phố 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long); Dự án Công viên nghĩa trang Thiên Phúc Vĩnh Hằng Viên (TP Uông Bí)... Đồng thời, quan tâm giải quyết vướng mắc, trong đó có vướng mắc về bồi thường do hạn chế khả năng sử dụng đất để thực hiện Dự án Mở rộng mặt bằng trạm biến áp 110kV Chợ Rộc; vướng mắc về giá tái định cư đối với dự án tuyến đường kết nối từ điểm cầu Cửa Lục 1 đến ngã ba Kênh Đồng thuộc phường Giếng Đáy (TP Hạ Long).
Đặc biệt, ngay từ đầu năm nay, tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đến ngày 15/3, tỉnh hoàn thành đợt lấy ý kiến tham gia vào dự thảo luật này. Nội dung lấy ý kiến đã bám sát 9 nội dung trọng tâm, gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Qua kết quả lấy ý kiến vào dự án luật cho thấy, các ý kiến góp ý vào các chương, điều của dự thảo luật có sự nghiên cứu, liên hệ sát với thực tiễn quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai của tỉnh những năm qua; góp phần xây dựng dự án luật bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định liên quan tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Nhân dân trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm góp ý vào những nội dung tác động trực tiếp, như: Các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số...
Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản cũng được các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện. Tỉnh đã báo cáo Bộ TN&MT về việc tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thời gian thuê đất, cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khoáng sản; triển khai phương án thu hồi và sử dụng đất, đá thải tại bãi thải mỏ than Nam Tràng Bạch làm vật liệu san lấp. Đồng thời, xây dựng dự thảo và thông qua đề cương Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp tỉnh giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030; hoàn thành Đề án để triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc tham mưu đề xuất lộ trình chấm dứt khai thác đất, đá đồi tự nhiên làm vật liệu san lấp mặt bằng tại các địa bàn: Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn. Tỉnh cũng chỉ đạo tập trung sử dụng đất, đá thải mỏ, tro, xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn, giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản...
Công tác bảo vệ môi trường, nhất là trong hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản được các đơn vị, địa phương quan tâm. Hiện trên địa bàn có 125 giấy phép khai thác khoáng sản còn hạn (47 giấy phép khai thác than, 78 giấy phép khai thác khoáng sản ngoài than); có 38 giấy phép đã hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường đóng cửa mỏ (30 giấy phép khai thác khoáng sản than và 8 giấy phép khai thác khoáng sản ngoài than); có 47 giấy phép đã hết hạn, đang thực hiện cải tạo môi trường (2 giấy phép khai thác khoáng sản than và 25 giấy phép khoáng sản ngoài than). Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh. Tính riêng năm 2022, trên địa bàn có 74 đơn vị thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với 115 dự án, số tiền tiếp nhận là 117,2 tỷ đồng.
Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng đảm bảo tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tạo động lực để địa phương phát triển.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()