Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:45 (GMT +7)
Đảm bảo quy chế dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động
Thứ 5, 01/02/2024 | 08:24:42 [GMT +7] A A
Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn Quảng Ninh có khoảng 17.000 doanh nghiệp, 785 đơn vị sự nghiệp công lập. Phần lớn các đơn vị này có sử dụng lao động. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, phát huy quy chế dân chủ ở các đơn vị, doanh nghiệp, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước.
Tại các đơn vị sự nghiệp công lập, việc tổ chức hội nghị CBCCVC-NLĐ được thủ trưởng cơ quan, đơn vị phối hợp với công đoàn cùng cấp tập trung chỉ đạo. Các hội nghị có sự chuẩn bị nội dung chu đáo, phân công nhiệm vụ cụ thể. Các ý kiến phát biểu tập trung bàn giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị; xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý, quy chế làm việc... đồng thời, phát động và ký kết giao ước thi đua.
Ban thanh tra nhân dân của cơ quan, đơn vị thường xuyên được kiện toàn, bầu tại hội nghị CBCCVC-NLĐ. Ban thanh tra nhân dân tập trung giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị CBCCVC, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc giải quyết đơn thư của CBCCVC... Qua đó, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CBCCVC-NLĐ.
Các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Nghị định số 145/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, cũng như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, thường xuyên công khai, phổ biến các nội quy, quy chế tới NLĐ.
Qua giám sát của các cơ quan chức năng cho thấy NLĐ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp được bàn và quyết định các nội dung thương lượng tập thể đã đạt được theo quy định của pháp luật. Việc lập các loại quỹ và thu, chi, quản lý, sử dụng các khoản từ thu nhập, đóng góp của NLĐ; nội dung nghị quyết của hội nghị NLĐ cũng được tham gia lấy ý kiến và phổ biến công khai. Đồng thời, NLĐ được tham gia ý kiến vào những nội dung trước khi doanh nghiệp quyết định về cải thiện điều kiện làm việc, thang lương, bảng lương, định mức lao động... Tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện các quy định, quy chế của doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại với NLĐ tại nơi làm việc về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi. Về phía người sử dụng lao động và NLĐ cũng thường xuyên trao đổi thông tin trong quá trình làm việc, trong các cuộc họp giao ban tuần, tháng, quý.
Thông qua các hội nghị, quyền dân chủ của NLĐ được phát huy. Nhiều ý kiến, kiến nghị của NLĐ đã được người sử dụng lao động quan tâm ghi nhận, trả lời công khai và tổ chức thực hiện. Cùng với đó, một số doanh nghiệp cũng đã quan tâm xây dựng thỏa ước lao động tập thể. Năm 2023, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã tiếp nhận 102 bản thỏa ước lao động tập thể.
Chất lượng, nội dung các bản thỏa ước lao động tập thể đã được nâng lên. Nội dung các điều, khoản thoả thuận về chế độ, chính sách đối với NLĐ đã cụ thể hơn và đa số có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ; đảm bảo trong bố trí việc làm, giờ giấc làm việc, nghỉ ngơi, chế độ nghỉ việc riêng. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã quan tâm công tác an toàn, vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ, trang cấp bảo hộ lao động cho NLĐ. Chế độ thăm hỏi NLĐ trong việc hiếu hỷ; trợ cấp bữa ăn ca đạt chất lượng, phụ cấp tăng ca hợp lý cũng được tăng cường hơn.
Thực hiện hướng dẫn số 04-HD/BCĐ ngày 16/4/2021 của Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của tỉnh về tự đánh giá thực hiện quy chế dân chủ, các ngành, địa phương đã triển khai tới 103 doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa có vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong KCN, các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Kết quả có 81 doanh nghiệp tự đánh giá xếp loại tốt; 22 doanh nghiệp tự đánh giá xếp loại khá.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số doanh nghiệp khu vực tư nhân vẫn còn hạn chế, như chất lượng hội nghị NLĐ chưa cao; việc quan tâm, tìm hiểu, tổ chức triển khai thực hiện các quy định về pháp luật lao động, BHXH, quy chế dân chủ ở cơ sở tại một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh vẫn còn ở mức nhất định. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được quy chế thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; việc đối thoại định kỳ chưa được thể hiện bằng hồ sơ, sổ sách, thường chỉ được trao đổi thông qua giao ban đầu tuần, đầu tháng, họp tổ, đội, hoặc cuộc họp sản xuất.
Bởi vậy, việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp tư nhân trong thực hiện quy chế dân chủ cần tiếp tục được tăng cường.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()