Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:38 (GMT +7)
Đảm bảo phương án thông thủy cầu Trà Bình
Thứ 2, 01/11/2021 | 10:27:02 [GMT +7] A A
Đến nay sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, cầu Trà Bình (TP Móng Cái) vẫn chưa được thông thủy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và đời sống của người dân quanh khu vực. Cử tri thành phố kiến nghị địa phương cần có phương án phù hợp để đảm bảo lợi ích của người dân.
Năm 1989, khi đầu tư cải tạo nâng cấp đoạn đường từ Km6+700 đến Km6+800 thuộc tỉnh lộ 335, nối trung tâm TP Móng Cái đến bán đảo Trà Cổ, cơ quan chức năng đã san lấp ngăn sông Mắn Thí thành đường nối liền tới Trà Cổ, Bình Ngọc. Từ đây con đường chia thành 2 phần. Một bên là rừng sú vẹt với bãi triều thuộc các phường Trà Cổ, Hải Hoà; một bên là Bình Ngọc, Hải Xuân với bãi đầm lầy nhiễm mặn. Ảnh hưởng về thủy văn, môi trường tại hạ lưu sông Mắn Thí khi bị cắt đứt dòng thủy lưu ngày một rõ hơn.
Các địa phương có liên quan tới dòng chảy này như Trà Cổ, Hải Xuân, Bình Ngọc đều chịu sự thay đổi tiêu cực khi dòng hải lưu bị chặn. Thủy triều lên, xuống không hài hòa, gây xói lở khu vực mũi Sa Vĩ. Diện tích mặt nước phía Bình Ngọc bị bồi lấp, nguồn nước mặn tù đọng gây ô nhiễm, hàng chục ha rừng ngập mặn bị chết khô; trên 150ha ao đầm tại các xã, phường Bình Ngọc, Hải Xuân thiếu nguồn nước mặn tự nhiên để nuôi trồng thủy sản.
Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Dự án cầu thông thủy tại Km6+700 đến Km6+800 (đoạn bến đò cũ) đường tỉnh 335 (Quyết định số 4253/QĐ-UBND ngày 30/10/2017), đồng ý cho TP Móng Cái xây dựng cầu Trà Bình trả lại lạch sông Mắn Thí để phục hồi, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ nước mặn canh tác cho trên 150ha nuôi trồng thủy hải sản, khôi phục ngư trường đánh bắt thủy sản ven bờ cho người dân.
Cùng với đó, địa phương có thêm vùng nước lặng sóng, kín gió để tàu, thuyền trên sông Ka Long, sông Bắc Luân tránh trú bão. Cầu Trà Bình được xây dựng từ tháng 10/2018, đến tháng 10/2020 đưa vào sử dụng, kinh phí đầu tư gần 49 tỷ đồng. Cầu được đưa vào sử dụng nhưng chỉ có tác dụng lưu thông đường bộ, còn mục tiêu thông thủy dòng Mắn Thí chưa đạt được, mặc dù UBND TP Móng Cái đã có kế hoạch thông thủy cầu Trà Bình cuối tháng 8/2021. Ông Nguyễn Văn Bưởi (khu 4, phường Bình Ngọc) cho biết: "Do không lưu thông được dòng chảy nên năng suất nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Cử tri chúng tôi mong chính quyền địa phương có giải pháp thông thủy cầu Trà Bình cũng như xây dựng đê điều để không ảnh hưởng đến các hộ nuôi trồng thủy sản".
Theo tìm hiểu của phóng viên, để chuẩn bị cho việc thông thủy, từ tháng 6/2021, BQL Dự án đầu tư xây dựng TP Móng Cái đã triển khai một số hạng mục: Hạ thấp độ cao đê quây đến mức cao trình vượt mốc mực nước triều cường khoảng 10-30cm để theo dõi, đánh giá mực nước thủy triều dâng. Tuy nhiên, theo các hộ dân, việc làm này cần được xem xét về mặt thời gian, bởi thiệt hại có thể xảy ra khi tiến hành thông thủy, do các đầm nuôi thủy sản hầu hết có cao trình thấp, thủy triều nhiều biến động, nếu để nước biển tràn vào có thể gây ngập hoặc vỡ đầm...
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết: Thành phố hiện đã dỡ bỏ toàn bộ đê quây phía trái tuyến từ trung tâm ra Trà Cổ và giữ nguyên tuyến đường cũ phải tuyến. Hai bên bờ lòng sông Mắn Thí cũ là bờ đất, có cao trình thấp hơn rất nhiều so với mực nước thủy triều dâng, phía sau hai bên bờ sông Mắn Thí là đất sản xuất nông nghiệp, ao đầm nuôi trồng thủy sản của người dân, nên thành phố chủ trương thông thủy theo lộ trình là để đánh giá mức độ ảnh hưởng. Thành phố đã báo cáo tỉnh đầu tư tuyến đê Mắn Thí để đảm bảo việc thông thuỷ không ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản khu vực hạ lưu. Tỉnh đang giao Sở NN&PTNT lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án để trình HĐND tỉnh phê duyệt triển khai trong năm 2022.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()