Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:49 (GMT +7)
Đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025
Thứ 5, 05/08/2021 | 07:51:55 [GMT +7] A A
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh đạt trên 243.800 tỷ đồng, tăng khoảng 16% so với giai đoạn 2016-2020. Đây là con số tương đối lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, làm giảm các nguồn thu cho NSNN. Từ đó đòi hỏi từng cấp, từng ngành cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong tìm kiếm và khai thác nguồn thu mới, hiệu quả và bền vững hơn.
Giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Quảng Ninh tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Do vậy, các mục tiêu về tài chính, ngân sách giai đoạn này cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, mặc dù năm 2020 có bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Tổng thu NSNN giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh đạt trên 210.000 tỷ đồng, bằng 25% GRDP, bằng 132% giai đoạn 2011-2015 (tương đương tăng trên 51.000 tỷ đồng). Đặc biệt, trong cán cân thu NSNN đã có sự chuyển dịch tăng dần tỷ trọng thu nội địa. Nếu như năm 2016, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh đạt 25.262 tỷ đồng, đạt 114% dự toán năm, thì đến năm 2020 đạt 35.560 tỷ đồng, đạt 100% dự toán năm. Tính trong giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách nội địa toàn tỉnh đạt 153.498 tỷ đồng, tăng 97% so với giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 12%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Từ đảm bảo được nguồn thu hàng năm, nên tỉnh Quảng Ninh đã cân đối được nguồn chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Giai đoạn 2016-2020, tổng chi ngân sách địa phương đạt trên 116.000 tỷ đồng, tăng 80% so với giai đoạn 2011-2015 (tương đương gần 52.000 tỷ đồng). Đặc biệt, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đã được nâng từ 46% trong giai đoạn 2011-2015 lên 55% trong giai đoạn 2016-2020; chi thường xuyên giai đoạn 2016-2020 đạt trên 52.000 tỷ đồng, chiếm 45% tổng chi ngân sách địa phương (chủ yếu chi lương, an sinh, phúc lợi xã hội).
Phát huy những kết quả và thành tựu đạt được, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ phấn đấu thu NSNN trên địa bàn đạt trên 243.800 tỷ đồng, tăng 16% so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, phấn đấu thu nội địa đạt trên 177.500 tỷ đồng, tăng 16% so với giai đoạn 2016-2020; thu xuất, nhập khẩu đạt trên 66.300 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020.
Đây là con số tương đối lớn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa có thời gian kết thúc, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, làm giảm các nguồn thu cho NSNN. Nhằm đảm bảo nguồn thu như dự định, hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo cơ cấu lại nguồn thu, chi ngân sách nhà nước, trong đó chú trọng tăng tỷ lệ thu nội địa; đổi mới cơ chế điều hành, phân cấp ngân sách hợp lý gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan quản lý tài chính, ngân sách; bảo đảm thu đúng, thu đủ, nộp ngân sách kịp thời, có giải pháp mạnh tăng cường chống thất thu.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Đơn vị đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế điều hành, xây dựng quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, định mức phân bổ chi thường xuyên giai đoạn 2022-2025, theo nguyên tắc ngân sách tỉnh giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân sách địa phương, phân cấp tối đa các khoản thu gắn với trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức thực hiện của địa phương. Đồng thời, tăng tỷ lệ điều tiết từ ngân sách cấp dưới về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách.
Đi vào những giải pháp cụ thể để giữ ổn định và tăng nguồn thu, UBND tỉnh xác định trọng tâm phát triển nhanh, bền vững các KCN, KKT để thu hút nhiều dự án có chất lượng trong lĩnh vực công nghiệp gắn với chuỗi cung ứng, giá trị trong nước, khu vực và quốc tế; nhanh chóng cơ cấu lại ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững, chất lượng và hiệu quả vươn tầm đẳng cấp quốc tế; khai thác hiệu quả hệ thống cửa khẩu, cảng hàng không và cảng biển; quản lý, khai thác có hiệu quả Quỹ bảo vệ môi trường và phát triển đất nhằm tối ưu phương án tạo nguồn thu từ đất và quản lý đầu tư.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()