Sự quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh trong việc tháo gỡ khó khăn và nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đã và đang góp phần tạo đà cho các công ty nhiệt điện của tỉnh duy trì hoạt động, phấn đấu sản lượng điện sản xuất của cả năm đạt trên 38 tỷ kWh điện. Qua đó góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng của khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” năm 2021.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 7 nhà máy nhiệt điện. Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công tác sản xuất điện của các nhà máy chịu áp lực không nhỏ bởi ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Để giữ đảm bảo vận hành sản xuất an toàn, liên tục, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, các nhà máy đã tăng cường kỷ luật vận hành, giám sát thiết bị, đảm bảo độ tin cậy, khả dụng của các tổ máy. Đồng thời, xây dựng và thực hiện phương án phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt trong quá trình tiếp nhận than, dầu, vật tư thiết bị, hoá chất vận hành, duy tu sửa chữa... đảm bảo không để dịch bệnh lây lan. Tuyên truyền đến toàn thể người lao động thực hiện tốt thông điệp 5K. Đến nay, 7/7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và tổ chức triển khai diễn tập các phương án xử trí khi có trường hợp mắc Covid-19. Đồng thời, tổ chức tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19 cho 2.915/3.333 cán bộ, người lao động, trong đó có 751/2.915 người được tiêm 2 mũi.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên quan xem xét việc cách ly y tế đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài đến làm việc tại các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo tuân thủ quy định về cách ly của Bộ Y tế với mục tiêu rút ngắn tối đa thời gian cách ly. Đồng thời, xem xét, giảm mức độ xét nghiệm ngẫu nhiên 20% số lao động hàng tuần để giảm chi phí doanh nghiệp.
Ông Johnny Tanis, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện BOT Mông Dương 2, chia sẻ: Năm 2021 là năm không dễ dàng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tỉnh Quảng Ninh. Song, chúng tôi rất may mắn và cảm ơn sự đồng hành của tỉnh Quảng Ninh, nhất là trong việc hỗ trợ đưa các chuyên gia nước ngoài đến phục vụ công tác bảo dưỡng các tổ máy. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện để mua, nhập khẩu các trang thiết bị phụ tùng thay thế chuẩn bị cho công tác bảo dưỡng trong bối cảnh dịch bệnh. Đến nay, chúng tôi đã huy động được nhiều chuyên gia từ Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia đến nhà máy để phục vụ công tác bảo dưỡng, góp phần nâng công suất, đảm bảo chỉ tiêu được giao.
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 7 tháng năm 2021, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống ngành điện đạt 151,65 tỷ kWh, tăng 6,2% so với cùng kỳ 2020, riêng nhiệt điện than đạt 76,86 tỷ kWh, chiếm 50,7%. Trong khi đó, sản lượng điện của các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh đạt 23,5 tỷ kWh, gần bằng 1/3 so với sản lượng nhiệt điện than toàn quốc. Điều này cho thấy những nỗ lực và những đóng góp quan trọng của các nhà máy nhiệt điện của Quảng Ninh đối với sự tăng trưởng của ngành điện trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh.
Đối với Quảng Ninh, sản xuất điện cũng là một lĩnh vực có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương những năm qua. Chính vì thế, trong Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 (Kế hoạch số 12/KH-UBND), tỉnh Quảng Ninh đã đặt chỉ tiêu trong năm 2021 công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước ước tăng 5,8%. Sản lượng điện sản xuất phải đạt 38,5 tỷ kwh, tăng 5%. Để đảm bảo mục tiêu này, các nhà máy đã tăng tốc sản xuất, trong đó tập trung vào các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo các tổ máy vận hành an toàn, tin cậy, đáp ứng yêu cầu huy động của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia A0.
Tuy nhiên trong năm 2021, để nhường chỗ cho huy động điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cuối năm 2020, Bộ Công thương có Quyết định số 3598/QĐ-BCT về việc phê duyệt kế hoạch cung cấp và vận hành hệ thống điện năm 2021. Theo đó, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu toàn quốc năm 2021 là trên 262 tỷ kWh. Trong đó, Bộ Công thương phê duyệt lượng điện sản xuất của các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh là 35,076 tỷ kWh. Như vậy, chỉ tiêu do Bộ Công thương phê duyệt đối với các nhà máy điện của Quảng Ninh thấp hơn so với kế hoạch của tỉnh là 3,424 tỷ kWh. Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ninh đã có kiến nghị với Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục nâng công suất phát điện của các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh. Đồng thời, tích cực chỉ đạo sở, ngành liên quan nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong tăng công suất phát điện, nhằm thúc đẩy sản xuất góp phần đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh.
Trong đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 5966/UBND-XD3 ngày 30/8/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đề nghị điều chỉnh kế hoạch sản xuất điện và chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện thực hiện tiếp nhận than đúng hợp đồng đã ký với TKV, Tổng Công ty Đông Bắc; chỉ đạo TKV đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống điện trong quy hoạch nhất là các trạm 110kV, 220kV để cấp điện cho các nhà đầu tư, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là trạm 110kV Hùng Thắng, 110kV Cao Thắng, 110kV Hoành Bồ, 220kV Yên Hưng, 220kV Nam Hoà và nâng công suất trạm 220kV Hải Hà.
Thực tế cho thấy, ngay từ những tháng đầu năm 2021, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra, làm việc với lãnh đạo các nhà máy điện để chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế và ổn định đời sống của người lao động các đơn vị sản xuất điện. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để ổn định công tác quản lý hoạt động sản xuất điện trên địa bàn thông qua việc ban hành các chỉ đạo về giải quyết hành lang an toàn lưới điện, sự cố sạt trượt đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải để phục vụ hoạt động của nhà máy điện; báo cáo bộ, ngành Trung ương để chấp thuận biện pháp khắc phục sự cố thân đập bãi thải xỉ… Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 9 tháng đầu năm 2021, các nhà máy nhiệt điện của Quảng Ninh đã sản xuất 28,3 tỷ kWh, tăng 2,55% cùng kỳ.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm, song dự báo hoạt động sản xuất điện những tháng cuối năm vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, khu vực phía Bắc miền Trung đang là mùa mưa do vậy hệ thống lưới điện huy động tối đa công suất của nguồn thủy điện. Một số nhà máy đang trong quy trình đại tu, sửa chữa bảo dưỡng, công suất huy động của hệ thống điện không cao, một số tổ máy đang hoạt động vượt quá thời gian sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Thời gian cách ly đối với đội ngũ chuyên gia sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy người nước ngoài phải kéo dài từ khi nhập cảnh đến khi vào từng địa phương, ảnh hưởng của dịch dẫn đến thiết bị, vật tư thay thế cũng bị chậm làm tăng chi phí doanh nghiệp và thời gian sửa chữa nhà máy. Việc xét nghiệm Covid-19 hàng tuần đối với 20% số lượng lao động gây tăng chi phí của doanh nghiệp.
Nhận định trước những khó khăn trong sản xuất điện những tháng cuối năm, Sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị sản xuất điện chủ động duy tu, sửa chữa thiết bị chuẩn bị sẵn sàng các tổ máy khi được Bộ Công thương huy động phát điện.
Ý kiến ()