Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:41 (GMT +7)
Đảm bảo hoàn thành kế hoạch chi ngân sách nhà nước
Thứ 6, 01/12/2023 | 15:31:56 [GMT +7] A A
Cùng với các giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước 2023, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh kế hoạch chi ngân sách địa phương, phấn đấu đến 31/12/2023 sẽ hoàn thành kế hoạch chi được giao trong năm.
Nghị quyết số 136/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh xác định, năm 2023 tổng kế hoạch chi ngân sách địa phương của tỉnh là 29.670 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 13.200 tỷ đồng, chi thường xuyên 16.470 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ kế hoạch đã được đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3638/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 về giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2023; Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 30/1/2023 về một số cơ chế và biện pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2023; thành lập các tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm; thường xuyên đi kiểm tra hiện trường, quyết liệt chỉ đạo các giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tháo gỡ các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong chi đầu tư phát triển, nhất là những vướng mắc liên quan đến công tác GPMB, vật liệu san lấp, vị trí đổ thải, xử lý tài sản công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phân khai kế hoạch vốn, tạm ứng và thu hồi tạm ứng; giao quyền chủ động cho các địa phương trong sử dụng nguồn vốn chấm điểm. Định kỳ hàng tháng, UBND tỉnh tổ chức họp nghe báo cáo tiến độ chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên của các đơn vị, địa phương và có yêu cầu các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp báo cáo làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc không đạt tiến độ dự toán.
Với những giải pháp thực hiện hiệu quả, đến hết tháng 10/2023, tổng chi ngân sách địa phương của tỉnh đạt 15.254 tỷ đồng, đạt 51,6% kế hoạch năm, ước thực hiện cả năm đạt 100% kế hoạch. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt trên 7.031 tỷ đồng, chi thường xuyên đạt 8.223 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ chi đầu tư phát triển cao, như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, UBND TP Hạ Long, UBND TP Uông Bí, UBND TP Móng Cái, UBND huyện Tiên Yên, UBND huyện Ba Chẽ, UBND huyện Cô Tô.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Từ nguồn vốn kế hoạch được UBND tỉnh giao cho các đơn vị, địa phương trong năm 2023, Sở Tài chính sẽ kiểm tra, báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tiếp tục triển khai giải ngân trong tháng cuối năm, không để nguồn vốn tồn đọng, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển KT-XH đã được Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra. Sau thời điểm 15/11 không thực hiện điều chỉnh dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Năm 2023 sắp khép lại, trước mục tiêu phải giải ngân đạt 100% kế hoạch nguồn chi ngân sách địa phương, hiện tại UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; xác định đúng vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương trong việc thực hiện dự toán ngân sách; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn, chịu trách nhiệm trước các cấp thẩm quyền nếu đơn vị giải ngân vốn chậm.
Đặc biệt, các chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp (bao gồm cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) khẩn trương thực hiện giải ngân, phân bổ kinh phí cho các dự án, nhiệm vụ được giao, đồng thời rà soát các nhiệm vụ không có khả năng thực hiện, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp xử lý. Đối với các địa phương không đảm bảo số thu theo dự toán được giao, căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Ngân sách nhà nước và văn bản hướng dẫn, chủ động có biện pháp xử lý theo thẩm quyền, đảm bảo cân đối ngân sách và chi đầu tư công.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()