Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:24 (GMT +7)
Đảm bảo đời sống người dân trước đại dịch
Thứ 3, 07/09/2021 | 10:12:04 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Để giữ vững "vùng xanh" và ổn định đời sống người dân, Quảng Ninh đã quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó chú trọng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch.
“3 trước, 4 tại chỗ”
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Quảng Ninh luôn nhận diện trước tình hình, sẵn sàng dự liệu tình huống xấu nhất có thể xảy ra, để mọi việc trong tầm kiểm soát. Tỉnh tiếp tục kiên trì phương châm chống dịch “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong phòng, chống dịch. Trong đó, việc đảm bảo các khu cách ly tập trung nhằm sẵn sàng đối phó với dịch bệnh cũng là một trong những vấn đề được đặt ra ngay từ rất sớm với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, phương tiện, thiết bị...
Quảng Ninh cũng đặt ra tình huống khi ghi nhận 1.000 ca mắc Covid-19 trên địa bàn, theo đó, tỉnh đã xây dựng phương án phân tầng, thu dung, điều trị. Cụ thể là bố trí 4 bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19. Riêng Bệnh viện số 2 có công suất 300 giường, bên cạnh thu dung toàn bộ bệnh nhân khu vực Hạ Long, sẽ là tuyến cuối điều trị cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch, dự kiến sẽ chiếm khoảng 10% tổng số ca mắc. Đối với các trường hợp người bệnh có triệu chứng từ nhẹ tới trung bình, sẽ được thu dung điều trị theo các khu vực: Bệnh viện số 1, công suất 350 giường, tiếp nhận cho tuyến miền Đông; Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí dự kiến bố trí 100 giường cho khu vực TP Uông Bí, TX Đông Triều; còn lại sẽ chuyến tới điều trị tại Bệnh viện số 3, công suất 250 giường.
Các địa phương trong tỉnh cũng nghiêm túc tổ chức khảo sát, đánh giá, lựa chọn các khu cách ly tại địa phương bảo đảm cơ bản đủ về số lượng công dân cách ly trên địa bàn theo chỉ đạo của tỉnh. Tổng số điểm cách ly trên toàn tỉnh theo phương án của các địa phương hiện là 905 cơ sở, với khả năng cách ly cao nhất được 186.657 người.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các địa phương cũng chủ động tổ chức diễn tập phương án phòng chống Covid-19 nhằm không bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Bà Đặng Thị Thịnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, cho biết: Phường đã tổ chức diễn tập với tình huống giả định trên địa bàn có 1 ca dương tính trong cộng đồng, thường trú tại tổ 5, khu phố 4A. Các lực lượng tham gia thực hành diễn tập thực hiện phong tỏa tạm thời tổ 5; đưa F0 đi cách ly tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả; truy vết thần tốc, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ F1, F2; đưa F1 đi cách ly tập trung, F2 cách ly tại nhà; phun khử khuẩn toàn bộ khu vực tổ 5. Cuộc diễn tập giúp các lực lượng chủ động ứng phó với các tình huống, cũng như phòng ngừa, đối phó, phòng chống với dịch Covid-19 từ xa, từ sớm, từ cơ sở; đồng thời, nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng chống dịch.
Nhằm ổn định cuộc sống của người dân, ngay từ sớm, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, xây dựng phương án, chủ động đảm bảo nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong trường hợp toàn tỉnh hay các huyện, thị xã, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, cách ly xã hội. Theo rà soát của Sở Công Thương, lương thực, thực phẩm, nông sản trong tỉnh đáp ứng khoảng 80% nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, các siêu thị, cửa hàng tiện ích, đại lý... cũng chủ động làm việc với nhà cung cấp, dự trữ hàng hóa, xây dựng phương án điều phối giữa các trung tâm.
Bà Vũ Thị Huyền, Giám đốc Siêu thị MM Mega Market Hạ Long (TP Hạ Long), cho biết: Để chủ động cung ứng hàng hóa, đơn vị đã làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp về việc tăng lượng hàng. Đơn vị cũng dự trữ hàng hóa tăng gấp 2-3 lần so với trước đây đảm bảo cung ứng liên tục trong 2 tháng. Ngoài ra, đơn vị còn một số trạm trung chuyển tại Đà Lạt, Cần Thơ, Tiền Giang và Hà Nội luôn sẵn sàng điều tiết hàng hóa khi có tình huống cấp bách.
Cùng với chủ động hàng hóa, các siêu thị, trung tâm thương mại, đại lý... đã đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến qua website, app, zalo, facebook, fanpage... Đơn cử như VinMart Hạ Long áp dụng hình thức bán hàng trực tuyến là gọi điện đặt hàng trực tiếp, đặt hàng qua Internet, qua VinID App, Vinshop App, đi chợ hộ... Hay các siêu thị: MM Mega Market, GO! (TP Hạ Long), Lan Chi (TX Quảng Yên), TTP (TP Cẩm Phả)… cũng thực hiện cung cấp và nhận đặt hàng qua website, zalo hoặc fanpage, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế đi lại, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Kịp thời các chính sách hỗ trợ
Giữa bối cảnh cả nước đang dồn lực cho công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 có ý nghĩa nhân văn và giá trị to lớn. Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đang linh hoạt, chủ động phối hợp triển khai để sớm đưa chính sách hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng.
Nhằm kịp thời thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt và triển khai thực hiện. Đồng thời thành lập Tổ thẩm định, hướng dẫn hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Theo đó, các địa phương đã rà soát, lập danh sách và hướng dẫn các đối tượng thuộc 12 nhóm chính sách được hỗ trợ làm hồ sơ. Đến nay, Quảng Ninh có 207.300 người lao động và hơn 5.300 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với số tiền trên 29 tỷ đồng. Riêng đối với doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất và lao động tự do không có giao kết hợp đồng đang được tỉnh thực hiện các giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Anh Nguyễn Minh Tuân, nhân viên Khách sạn Hải Yến (TP Cẩm Phả), cho biết: Từ tháng 5 tôi phải nghỉ việc, gia đình rất chật vật do không có thu nhập. Ngày 25/8, tôi được nhận 3 tháng lương cơ bản tương đương với 11,760 triệu đồng từ nguồn vay trả lương ngừng việc do đơn vị sử dụng lao động chi trả. Hỗ trợ này giúp gia đình tôi bớt khó khăn, các con được chăm lo tốt để chuẩn bị bước vào năm học mới.
Là một trong số các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho vay không lãi suất trong vòng 3 tháng để trả lương ngừng việc, Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Cẩm Phả được vay trên 500 triệu đồng để trả lương cho 45 lao động bị ngừng việc từ tháng 5/2021. Theo ông Phan Xuân Chiến, Giám đốc Khách sạn Hải Yến (Công ty CP Thương mại và Dịch vụ du lịch Cẩm Phả), từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khách sạn gần như không hoạt động. Từ tháng 5 trở lại đây, trên 90% nhân viên nghỉ việc, chỉ còn lại khoảng 5 lao động để duy trì, trông coi. Mỗi tháng, các chi phí nhân công, điện, nước, bảo trì cơ sở vật chất cho khách sạn vào khoảng 300 triệu đồng, nên rất khó khăn. Việc được cho vay không lãi suất để trả cho người lạo động, vừa chia sẻ với lao động, vừa giúp khách sạn giữ lao động.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, cụ thể Nghị quyết 68 của Chính phủ, tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/QD-UBND ngày 16/8 về việc hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Quyết định, mức hỗ trợ được chia theo 2 nhóm đối tượng. Với nhóm đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nằm trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả rà soát của tỉnh đến cuối năm 2020 và phát sinh trong đầu năm 2021 mà không được hưởng chế độ trợ cấp đặc biệt khác (trợ cấp người có công, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng...) thì được hỗ trợ với mức 1,5 triệu đồng/người.
Đối với nhóm đối tượng là lao động tự do, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh đang làm những công việc: Thu gom rác, phế liệu; bốc vác; vận chuyển hàng hoá; lái xe mô tô 2 bánh, 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; người làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, cắt tóc trên vỉa hè hoặc trong chợ; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không cố định, làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; thợ thuyền tại công trình xây dựng... mà phải nghỉ việc, mất việc do phải cách ly y tế hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo phòng chống dịch trong thời gian từ 1/5 đến 31/12/2021, thì được hỗ trợ với mức 50.000 đồng/người/ngày và số tiền hỗ trợ không quá 3,7 triệu đồng/người...
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người lao động và người sử dụng lao động phải đối mặt với khó khăn. Do đó, sự hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời của Nhà nước lúc này có ý nghĩa quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thu Trang - Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()