Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:25 (GMT +7)
Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định
Thứ 4, 12/05/2021 | 06:26:52 [GMT +7] A A
Xác định điện năng là nguồn năng lượng thúc đẩy cho sự phát triển KT-XH, giai đoạn 2011-2020, Quảng Ninh có bước đột phá mạnh mẽ trong đầu tư phát triển hệ thống lưới điện, trở thành điểm sáng trong cả nước.
Công nhân trạm biến áp 110kV Vân Đồn lấy thông số kỹ thuật giờ cao điểm. |
Hiện toàn tỉnh đã có 100% hộ dân được cấp điện lưới quốc gia, là địa phương đi đầu cả nước về phát triển hệ thống điện nông thôn và đưa điện lưới ra các xã đảo. Chỉ tính trong 3 năm trở lại đây, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 200 dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh, trong đó có gần 100 công trình lưới điện trung áp cấp điện cho các nhà đầu tư chiến lược tại các KKT, KCN và khu trọng điểm của tỉnh.
Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng tại KCN Việt Hưng (TP Hạ Long) trên diện tích 340ha. Để đảm bảo triển khai dự án, Tập đoàn Thành Công cần công suất lên tới gần 200MVA (cao hơn 100MVA) so với nhu cầu ban đầu của doanh nghiệp này. Do vậy, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Quảng Ninh đã phối hợp với Tập đoàn Thành Công để hướng dẫn lập lại hồ sơ điều chỉnh quy hoạch trình Bộ Công Thương phê duyệt. Sau khi có Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch của Bộ Công Thương, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Bắc xem xét, giao danh mục đầu tư xây dựng đường dây 110kV đấu nối với trạm biến áp 110kV KCN Việt Hưng.
Trung tâm điều khiển trạm biến áp 220kV Yên Hưng (phường Minh Thành, TX Quảng Yên) đang được các nhà thầu gấp rút triển khai thi công. |
Không chỉ riêng Tập đoàn Thành Công có nhu cầu công suất lớn, hiện đang có rất nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh, đòi hỏi nhu cầu về nguồn điện lớn, độ tin cậy cung cấp điện tăng cao. Theo tính toán của Sở Công Thương, mức độ tăng trưởng công suất cực đại của tỉnh hằng năm từ 5-7%. Như vậy công suất cực đại năm 2021 là 883MW, năm 2022 là 974MW, năm 2023 là 1.091MW, năm 2024 là 1.261MW, năm 2025 là 1.331MW.
Với mức độ tăng trưởng công suất cực đại này, để đảm bảo phụ tải cho các dự án, hiện Sở Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với ngành Điện để báo cáo Bộ Công Thương chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch trên 10 hạng mục công trình lưới điện 110kV, 220kV. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ giao danh mục đầu tư các dự án trong kế hoạch đầu tư xây dựng lưới điện giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến trong năm 2021 việc nâng công suất máy biến áp T1 từ 25MVA lên 63MVA của trạm biến áp TBA 110kV Móng Cái sẽ hoàn thành để đưa vào vận hành; trong năm 2023 sẽ đưa dự án đường dây và trạm biến áp 110kV Tuần Châu vào hoạt động. Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2023, ngành Điện dự kiến sẽ đóng điện, đưa thêm một loạt các dự án 110kV, 220kV đang triển khai vào vận hành như: Trạm biến áp 220kV Yên Hưng, trạm biến áp 110kV Giếng Đáy, trạm biến áp 110kV Giáp Khẩu, trạm biến áp 110kV Việt Hưng, trạm biến áp 110kV Cao Thắng (Hạ Long), trạm biến áp 110kV Khe Chàm (Cẩm Phả), trạm biến áp 110kV Hải Xuân (Móng Cái), trạm biến áp 110kV Nam Hòa (Quảng Yên)...
Ông Bùi Quang Sơn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương), khẳng định: Với tiến độ đầu tư các dự án nâng công suất, xây dựng mới các trạm biến áp 110kV đến năm 2023 như trên, ngành Điện sẽ đảm bảo tính ổn định và tin cậy cho lưới điện của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải ổn định cho giai đoạn tới, đặc biệt là những khu vực du lịch mới, khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Điện để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015- 2025, có xét đến 2035.
Công ty Điện lực Quảng Ninh theo dõi công tác quản lý, vận hành lưới điện tại Trung tâm điều khiển xa. |
Cùng với tăng phạm vi, chất lượng cung ứng điện cũng thường xuyên được cải thiện, hiện tỷ lệ tổn thất điện năng toàn tỉnh chỉ còn 3,64% - tỷ lệ thấp nhất từ trước tới nay và tiệm cận sát ngưỡng kỹ thuật. Bên cạnh đó, chỉ số tiếp cận điện năng của người dân đạt 3,21 ngày làm việc (giảm gần 2 ngày làm việc so với kế hoạch Tổng Công ty Điện lực miền Bắc giao).
Với phạm vi ngày càng mở rộng, chất lượng cung ứng điện ngày càng được nâng cao, ngành điện Quảng Ninh đã tạo ra nguồn động lực dồi dào, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh hơn, thu hút các nhà đầu tư với nhiều ngành nghề, sản phẩm hơn, tạo được nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây chính là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động theo Nghị quyết mà Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()