Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 20/01/2025 12:24 (GMT +7)
Đảm bảo bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán
Thứ 2, 20/01/2025 | 06:02:42 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề. Đây là thời điểm thị trường hàng hóa, sức mua sắm, cũng như giá cả các mặt hàng có nhiều biến động nhất trong năm, khiến không ít người dân quan tâm, băn khoăn. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, xoay quanh vấn đề này.
- Bà có nhận định gì về sức mua sắm hàng hóa của người dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025?
+ Năm 2024 là năm Quảng Ninh chịu nhiều ảnh hưởng do bão số 3 (YAGI) gây ra, khiến sức mua bán hàng hoá có lúc giảm mạnh bởi sự thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Tuy nhiên, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương, tỉnh, địa phương đến người dân, việc khắc phục hậu quả của bão đã cơ bản hoàn thiện, người dân đã ổn định sản xuất kinh doanh trở lại, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm tăng 14,2% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, các hoạt động kích cầu tiêu dùng của đội ngũ thương nhân trong tỉnh không ngừng được triển khai để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch, đặc biệt vào dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo thông tin của một số đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại các đơn vị đã trưng bày, giới thiệu hàng hoá phục vụ Tết để người dân và du khách tham quan, lựa chọn mua sắm với tổng lượng hàng hóa tăng khoảng 20% so với dịp cuối năm 2023 và tăng gấp 3 lần so với hàng hóa được bày bán tại thời điểm tháng 10/2024. Qua đó cho thấy, sức mua sắm hàng hóa vào dịp Tết năm nay cũng phần nào bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ không cao, xu hướng tiêu dùng năm 2025 tập trung vào chất lượng sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
- Trước sức mua đã được dự báo, cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp trước, trong và sau Tết, thưa bà?
+ Để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu cho người dân trong tỉnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương đã chủ động ban hành các kế hoạch về cân đối cung cầu, ổn định giá cả thị trường, cũng như tổ chức các hoạt động kích cầu tiêu dùng trong tỉnh. Đồng thời, chủ động theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa và đảm bảo nguồn điện an toàn phục vụ sản xuất kinh doanh, điện sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh; kịp thời xử lý tình huống phát sinh liên quan đến tình hình thị trường, cung cấp điện trong dịp trước, trong và sau Tết...
Cùng với đó, phối hợp với các địa phương theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường tại địa phương từ nay đến sau Tết Nguyên đán. Yêu cầu các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công thương chấp hành đúng quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh hàng hóa. Nghiêm cấm các hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại. Sở cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; ngăn chặn tình trạng vi phạm trong những tháng cuối năm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Khuyến khích các cơ sở chủ động có phương án mở cửa sớm hơn, đóng cửa muộn hơn so với thời điểm hiện tại (60-90 phút hằng ngày) để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và khách du lịch trong thời gian từ 30/12/2024 đến hết ngày 28/1/2025.
Về phía doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kinh doanh đã chủ động xây dựng và điều chỉnh kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh của đơn vị để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và khách du lịch. Trong thời gian cận Tết, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cũng như các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong tỉnh đã đẩy mạnh kinh doanh, tăng cường nhập hàng hóa phục vụ Tết, sẵn sàng nguồn cung đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và được niêm yết giá, cũng như bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, các đơn vị cũng triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho khách hàng, như đa dạng kênh mua sắm cả trực tiếp và trực tuyến, miễn phí giao hàng, khuyến mại giảm giá sâu…
Hiện toàn tỉnh đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân và khách du lịch trị giá khoảng 1.300 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại một số đơn vị phân phối lớn, như chuỗi cửa hàng Winmart+ dự kiến chuẩn bị khoảng 170 tỷ đồng, siêu thị GO! Hạ Long khoảng 128 tỷ đồng… Đến nay, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhu yếu phẩm, hàng hóa có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết đã được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ cho người tiêu dùng.
- Xúc tiến thương mại được coi là giải pháp hữu hiệu trong thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, kết nối giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, hoạt động này sẽ được triển khai ra sao trong dịp này, thưa bà?
+ Để kích cầu tiêu dùng, tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng mua sắm hàng hóa dịp cuối năm, Sở Công Thương đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương báo cáo, trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổ chức “Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2025” từ ngày 17 đến 22/1, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh. Với quy mô 200 gian hàng, hội chợ giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố với chất lượng tốt, đa dạng về giá cả.
Trong quý I, trên địa bàn tỉnh cũng sẽ diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại tại một số địa phương. Cụ thể, TP Hạ Long tổ chức Hội chợ Hoa xuân Hạ Long; TP Móng Cái tổ chức Hội chợ Xuân biên giới 2025; TP Đông Triều tổ chức Hội chợ hoa, cây cảnh kết hợp thương mại và sản phẩm OCOP Đông Triều 2025...
Mặc dù thị trường tiêu dùng năm 2024 chịu nhiều tác động bởi những bất ổn chung của thị trường tiêu dùng thế giới, song những giải pháp kích cầu tiêu dùng, sự chủ động từ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và sự chuẩn bị sẵn sàng của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần đảm bảo hàng hóa, ổn định thị trường, tạo ra nhiều lựa chọn cho người dân và du khách khi mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
- Xin cảm ơn bà!
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()