Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:33 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
Thứ 5, 07/12/2023 | 13:53:17 [GMT +7] A A
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đồng thời còn góp phần ổn định sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng xã hội, tạo việc làm bền vững.
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, là thế mạnh nổi trội để phát triển nhiều ngành công nghiệp như khai thác than, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, điện… Đây là những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động. Mặt khác, những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, quy mô, tính chất doanh nghiệp đa dạng, lực lượng lao động gia tăng, đặt ra nhiều áp lực cho công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, nhất là trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình, sản xuất vật liệu xây dựng…
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ trong sản xuất, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, cũng như đóng góp cho tăng trưởng xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trên địa bàn.
Hằng năm, tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn tổ chức, doanh nghiệp, người lao động thực hiện các chương trình, kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ATVSLĐ trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện ATVSLĐ đã được các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ cũng được tỉnh quan tâm đổi mới nội dung, hình thức tới cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân, người lao động. Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động…
Công tác huấn luyện ATVSLĐ đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh chú trọng. Nội dung, phương pháp huấn luyện được đổi mới, phong phú, phù hợp với từng đối tượng người lao động. Một số doanh nghiệp đã áp dụng các phần mềm, đổi mới hình thức huấn luyện như trả lời trắc nghiệm kiến thức về công tác ATVSLĐ qua phần mềm; tập huấn ATVSLĐ trực tuyến; tập trung huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, chỉ huy sản xuất về nhận diện, đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc ATVSLĐ; các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác ATVSLĐ.
Các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát ATVSLĐ. Các doanh nghiệp đề cao ý thức tự kiểm tra một cách thường xuyên của cơ sở để chủ động phát hiện các sai phạm, các nguy cơ mất an toàn để từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời; quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động. Đơn cử, thực hiện chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023, đã có 35 cuộc thanh tra, kiểm tra của các sở, ngành, địa phương tại 64 cơ sở, doanh nghiệp và 785 cuộc tự kiểm tra công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 58 thiếu sót, tồn tại; 3.018 nguy cơ rủi ro; yêu cầu đơn vị hoàn thiện, bổ sung 1.238 nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.
Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, huấn luyện, kiểm tra, giám sát ATVSLĐ, công tác khám chữa bệnh, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động cũng được thực hiện nghiêm túc. Các doanh nghiệp, đơn vị đã quan tâm, chú trọng, chủ động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc; nhất là việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, quan trắc môi trường lao động tại nơi làm việc cho người lao động làm việc tại nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại, gây bệnh nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có bệnh viện, phòng khám, khoa phòng riêng để khám chữa mắc bệnh nghề nghiệp (rửa phổi, xúc lọc phổi…). Một số doanh nghiệp đã đầu tư kinh phí xây dựng mới, nâng cấp các khu nhà ở tập thể cho người lao động; cải tạo, làm đẹp cảnh quan, khuôn viên nơi làm việc; xây dựng các khu vui chơi, hoạt động giải trí, thể thao cho người lao động; tổ chức các giải thể thao, hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn giảm so cùng kỳ, tại các doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn tỉnh xảy ra tổng số 17 vụ tai nạn lao động, làm chết 23 người (so với cùng kỳ năm 2022 giảm 5 vụ).
Với việc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, thiết thực đã tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp. Môi trường làm việc ngày càng được cải thiện, giúp người lao động yên tâm gắn bó với công việc, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển bền vững.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()