Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:09 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp
Thứ 2, 25/11/2024 | 14:18:57 [GMT +7] A A
Để đưa ra thị trường những sản phẩm rõ nguồn gốc, cùng với hướng dẫn người dân sản xuất an toàn, cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT cũng chú trọng kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm (ATTP). Nhờ đó chất lượng sản phẩm ngày càng nâng lên, sức khỏe người tiêu dùng bảo đảm.
Tham gia sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, vừa có lợi cho sức khỏe, vừa nâng cao được hiệu quả canh tác nên ngày càng có nhiều nông dân tích cực hưởng ứng. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, vấn đề xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông sản an toàn là xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã rất nhanh nhạy bắt kịp xu thế này và ở nhiều địa phương đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, đảm bảo ATTP.
Điển hình như tại TX Quảng Yên, thời gian qua, đã tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ quản lý, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là ATTP đối với nông sản. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện khuyến khích bà con nông dân tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ KHKT, hình thành tư duy sản xuất hiện đại mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Đặt mục tiêu sản xuất an toàn lên hàng đầu, nhiều hộ dân trồng rau trên địa bàn phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) đã tham gia vào mô hình trồng rau theo hướng hữu cơ, áp dụng các chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất, không dùng thuốc trừ sâu, diệt cỏ, phân bón vô cơ. Nhờ đó, chất lượng nông sản được nâng cao, yên tâm về đầu ra, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Bà Đỗ Thị Khẩn, hộ trồng rau phường Cộng Hòa, cho biết: Chúng tôi sử dụng chế phẩm sinh học để chăm bón cho rau màu. Rau sinh trưởng, phát triển tốt, không có sâu bệnh, an toàn cho người tiêu dùng nên giá thành cũng được cao hơn.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.000ha sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; 28 cơ sở có chứng nhận VietGAP trong lĩnh vực chăn nuôi; trên 400 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến (GMP, SSOP, HACCP...); 14 vùng trồng cây ăn quả, 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 59 loại sản phẩm.
Để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững, cũng như đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường xây dựng vùng sản xuất thực phẩm an toàn trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Quảng Ninh cũng tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn. Sở NN&PTNT đã phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ xây dựng phần mềm nội bộ “Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh”… Các địa phương phát huy thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng để tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, chuyên canh, gắn với thương hiệu sản phẩm, như vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn, vùng trồng chè tập trung, vùng trồng cây ăn quả, vùng nuôi tôm, nuôi nhuyễn thể, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung... Đồng thời, các ngành, địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, như: Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật, thủy sản nuôi; giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp... Bên cạnh đó, các ban, ngành của tỉnh còn thường xuyên kiểm ra, rà soát các sản phẩm thuộc chương trình OCOP tại các huyện, thị xã, thành phố; giám sát điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm tham gia chương trình OCOP...
Sở NN&PTNT cũng đã tăng cường giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP đối với sản phẩm thủy sản, động vật, thực vật, các sản phẩm sơ chế, chế biến đảm bảo nguồn gốc thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Bằng những cách làm trên, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm ATTP nông, lâm, thủy sản được tăng cường. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP thực hiện đồng bộ, nghiêm túc. Công tác hậu kiểm, giám sát ATTP nông, lâm, thủy sản được thường xuyên, đã kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm, thực trạng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, tồn dư hoá chất, kháng sinh, chất bảo quản; tăng hiệu quả kiểm soát, góp phần tạo ra các sản phẩm đảm bảo ATTP phục vụ người dân, giữ vững ổn định sản xuất, thúc đẩy thị trường.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()