Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:02 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn thực phẩm sản phẩm OCOP
Thứ 5, 29/10/2020 | 08:27:47 [GMT +7] A A
Toàn tỉnh hiện có 175 đơn vị (46 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 64 hộ dân) tham gia Chương trình OCOP, sản xuất và đưa ra thị trường trên 450 sản phẩm các loại, trong đó phần lớn sản phẩm là thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản. Để giữ vững giá trị sản phẩm OCOP, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) của sản phẩm luôn là yêu cầu quan trọng trong chu trình sản xuất.
Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (Đông Triều). |
Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (Đông Triều) là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Với trên 1,5ha, Công ty đầu tư nhà màng trồng rau thủy canh và ứng dụng phương pháp trồng thủy canh lưu hồi bằng hệ thống máng thủy canh nhập từ Thái Lan, trong nhà màng khép kín. Công thức dinh dưỡng trồng rau thủy canh được tính toán dựa trên các chỉ tiêu phân tích mẫu nước, mẫu đất, giá thể, phân bón, đáp ứng yêu cầu cách ly mầm bệnh, nguồn nước ô nhiễm, tránh độc tố từ chất hóa học, giúp cây phát triển và có chất lượng tốt. Công ty thực hiện quy trình sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng như đảm bảo các tiêu chí khắt khe theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, sản phẩm của Công ty có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học trên địa bàn…
Sản phẩm do Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188 (Đông Triều) sản xuất đảm bảo tiêu chí khắt khe theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Cùng với Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại 188, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất đảm bảo ATTP; nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm tạo sự chuyên nghiệp. Tiêu biểu: Công ty CP Sữa An Sinh đầu tư nhà xưởng, đảm bảo quy trình sản xuất với số tiền hàng tỷ đồng; cơ sở sản xuất rượu mơ Quang Vinh đầu tư xây hầm ủ rượu thành phẩm đạt tiêu chuẩn; Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh đầu tư công nghệ sấy lạnh cho các sản phẩm trà hoa vàng... Chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất đã và đang tạo ra sự chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng, nhất là ATTP cho sản phẩm OCOP địa phương.
Thực hiện Chương trình OCOP với mục tiêu phát triển bền vững sản phẩm, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng bộ nhận diện nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh; ban hành chu trình chuẩn OCOP và Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh. Trong đó, quy định rõ tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành áp dụng cho các nhóm ngành, hàng. Đặc biệt, yêu cầu càng khắt khe hơn là phải chấp hành các quy định của Luật ATTP, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá… đáp ứng các tiêu chuẩn chung đối với phụ gia thực phẩm, nhất là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản…
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh ATTP và tổ chức ký cam kết sản xuất ATTP đối với cơ sở sản xuất; đề nghị được cấp giấy công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định ATTP... Đầu năm 2020 đến nay, Ban Xây dựng NTM tỉnh đã thẩm định, ra quyết định chấp thuận cho 85 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP, đạt 168% chỉ tiêu cả năm, nâng tổng số sản phẩm tham gia OCOP là 450, trong đó có 240 sản phẩm đạt sao (12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 64 sản phẩm 4 sao, 164 sản phẩm 3 sao). Đồng thời, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP Quảng Ninh cho 100% sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Đến nay, có gần 85% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP được dán tem điện tử, hoặc có mã số, mã vạch...
Vận hành máy móc sản xuất sữa tươi thanh trùng tại Công ty CP Sữa An Sinh (Đông Triều). |
Công tác thanh, kiểm tra, tái thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt tỉnh có biện pháp quyết liệt đối với những sản phẩm không đảm bảo chu trình sản xuất... Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 10 sản phẩm OCOP đã cấp sao năm 2016; Ban Xây dựng NTM tỉnh ban hành quyết định đưa 65 sản phẩm (chưa cấp sao) ra khỏi Chương trình OCOP do không còn sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển. Qua đó, góp phần đảm bảo tính công bằng cho mọi sản phẩm khi tham gia chương trình; tiếp tục duy trì chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Với mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP nâng tầm chất lượng, tiến xa ra thị trường trong nước và quốc tế, phát triển sản phẩm theo chu trình OCOP “sản phẩm chuyên nghiệp”, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã khảo sát thực trạng, lập kế hoạch, xác định các doanh nghiệp tham gia chuẩn hóa 5 sản phẩm chỉ đạo thực hiện điểm, gồm: Chả mực Hạ Long, rượu ba kích, ruốc hàu, nước mắm sá sùng, trà hoa vàng. Hiện các doanh nghiệp đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng dự án nâng cấp chuyên nghiệp hóa sản phẩm. Các sản phẩm chỉ đạo điểm và sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh sẽ được nâng cấp để dự thi sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Với những nỗ lực đó, tin tưởng sản phẩm OCOP địa phương ngày càng khẳng định tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Liên Hương
Liên kết website
Ý kiến ()