Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:29 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Thứ 3, 23/01/2024 | 07:27:58 [GMT +7] A A
Thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu mua các loại hàng hóa thực phẩm của người dân tăng cao, do đó tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm (ATTP). Để bảo vệ người tiêu dùng tránh được những nguy cơ gây hại cho sức khỏe, không mua phải các sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng, địa phương đã tích cực kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán về vệ sinh ATTP.
Hiện trên địa bàn TX Đông Triều có 9.573 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó lĩnh vực ngành Y tế quản lý 928 cơ sở; lĩnh vực ngành Công thương, NN&PTNT quản lý 8.645 cơ sở. Nhằm siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP của TX Đông Triều đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về ATTP tới các cơ quan, đơn vị, các xã phường, chợ, điểm kinh doanh… trên địa bàn; thực hiện cấp giấy chứng nhận, ký cam kết, đảm bảo điều kiện về ATTP cho 100% các hộ kinh doanh, buôn bán; đẩy mạnh việc thực hiện công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh đường tiêu hóa truyền qua thực phẩm; lấy mẫu xét nghiệm nhanh 2.067 thực phẩm, bát đĩa…
Thị xã cũng tăng cường phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức thanh tra, kiểm tra các vi phạm pháp luật về VSATTP, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm phục vụ Tết; kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện phòng, chống dịch bệnh; giữ gìn vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai các hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát các mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội năm 2024.
Cùng với Đông Triều, hiện chính quyền, các lực lượng chức năng tại các địa phương trong tỉnh cũng triển khai đồng loạt các hoạt động kiểm tra vệ sinh ATTP tại địa bàn. Theo Đại diện Đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh) cho biết: Hiện Đội đang làm nhiệm vụ quản lý thị trường trên địa bàn TP Hạ Long. Để đảm bảo công tác ATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, Đội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc đối thoại, tuyên truyền pháp luật về ATTP, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng đối với các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức cho các chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh ký cam kết bán đúng giá niêm yết, nguồn gốc thực phẩm chế biến thức ăn phải rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT về triển khai đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, từ ngày 20/11/2023-29/2/2024, Đội tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các hàng hóa, thực phẩm được mua bán, sử dụng nhiều vào ngày Tết như bánh kẹo, đường, rượu, bia, nước ngọt, lương thực, thực phẩm... Qua kiểm tra, công tác đảm bảo ATTP tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán cơ bản đảm bảo; các chủ cửa hàng, hộ kinh doanh cũng nghiêm túc thực hiện việc bán hàng rõ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo vệ sinh ATTP trong sản xuất. Đội tiếp tục thực hiện việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 48.901 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, ngành Công Thương đang quản lý 10.072 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý 28.035 cơ sở; ngành Y tế quản lý 10.794 cơ sở. Để bảo đảm ATTP, việc tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra vệ sinh ATTP là một trong những giải pháp được các ngành chức năng tích cực triển khai, góp phần đảm bảo ATTP. Từ ngày 15-19/1/2024, các ngành đã thành lập 3 đoàn kiểm tra vệ sinh ATTP đi kiểm tra tại 13 địa phương trên địa bàn tỉnh, tập trung thực hiện đảm bảo vệ sinh ATTP với các sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết, như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...
Theo đánh giá chung, qua công tác kiểm tra, việc đảm bảo ATTP tại các địa phương đã được thực hiện triệt để, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu về ATTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: Một số chủ nhà hàng, cơ sở sản xuất chưa thực hiện lưu mẫu sản phẩm; khu vực chế biến, sản xuất và khu vực để sản phẩm bố trí chưa khoa học; một số tiểu thương tại các chợ biên giới, vùng cao vẫn còn buôn bán một số hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng… Các đoàn kiểm tra yêu cầu địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề ATTP tại cơ sở; các chủ cơ sở sản xuất trong quá trình kiểm tra khắc phục, loại bỏ những hạn chế, vi phạm trong quá trình sản xuất, buôn bán.
Để đón Tết vui tươi, an toàn, bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, phòng tránh các loại dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm, bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng trong việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… mỗi người dân cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trở thành nhà tiêu dùng thông thái. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, trong khi mua sắm thực phẩm, đồ ăn người dân cần lựa chọn hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng đủ các quy định của cơ quan chức năng về nguồn gốc, nhãn mác, hạn sử dụng; thực hiện tốt nguyên tắc “mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý”.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()