Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:02 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão
Thứ 4, 28/06/2023 | 06:41:06 [GMT +7] A A
Nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu cho nhiều hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết. Để tránh thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản, việc chủ động các biện pháp phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão là rất cần thiết.
Anh Đặng Văn Ba (thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) có 3ha nuôi tôm. Để bảo vệ diện tích tôm nuôi, trước những ảnh hưởng của môi trường, 2-3 năm gần đây, anh Ba đã chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm công nghệ 3, 4 giai đoạn ở bể tròn. Anh Ba đã đầu tư các bể nổi; lắp đặt thiết bị tự động kiểm soát môi trường, không khí, nhiệt độ ở các bể nuôi. Với cách làm này, con tôm vẫn sinh trưởng tốt trong điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. Theo anh Đặng Văn Ba, khâu quan trọng nhất là phải biết cách điều chỉnh môi trường nước cho ao nuôi. Đặc biệt trong mùa mưa bão, trước những thay đổi đột ngột của môi trường, cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, nhất là mật độ nuôi, quản lý chặt các yếu tố môi trường trong ao nuôi. Đồng thời, cần theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm. Gia đình tôi cũng đầu tư hệ thống bạt che phòng khi xảy ra mưa lớn không để nước mưa đổ dồn xuống ao nuôi, làm pH giảm đột ngột, có thể khiến tôm chết hàng loạt.
Cùng với mô hình nuôi tôm của hộ anh Ba, thời gian qua, các mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi đa giai đoạn... đang được nhiều hộ nuôi áp dụng rộng rãi. Ngoài ra, nhiều cơ sở đã áp dụng nuôi tôm trong nhà màng, nhà kính, hiệu quả cao, nuôi được trong thời tiết nhiệt độ thấp, mưa nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm theo hướng thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh vẫn là chủ yếu, do vậy để chủ động ứng phó với tác động trong mùa mưa bão, ngành Nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm trong toàn tỉnh một số biện pháp quan trọng.
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, vào mùa mưa, độ pH và độ mặn trong nước giảm khiến các loại vi khuẩn, nhất là các loại gây bệnh đốm trắng, chân đỏ phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ tôm chết hàng loạt; biên độ nhiệt trong ngày lớn cũng khiến sức ăn của tôm giảm; lượng oxy trong nước giảm sau cơn mưa cũng khiến tôm dễ mắc bệnh. Do đó, người nuôi phải chú ý theo dõi và bổ sung oxy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, điều này giúp tránh phân tầng nước trong ao nuôi. Sau những lần xuất hiện mưa, cần tiến hành kiểm tra môi trường nước và tình trạng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Người nuôi phải có kế hoạch điều tiết nước để hạn chế hiện tượng giảm độ mặn đột ngột trong ao nuôi tôm; có các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm định kỳ 10-15 ngày/đợt, mỗi đợt từ 5-7 ngày…
Ngoài nuôi tôm, trên địa bàn tỉnh còn phát triển nuôi trồng các loại thủy sản, như: Các loại nhuyễn thể, với diện tích nuôi bãi triều và mặt nước là 9.500ha; nuôi cá biển diện tích 2.200ha; nuôi trồng thủy sản nước ngọt diện tích trên 3.000ha. Ngoài việc thường xuyên khuyến cáo các biện pháp bảo vệ thủy sản mùa mưa bão, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện việc quan trắc và nhắn tin định kỳ 2 lần/tháng về các thông số trong nguồn nước của một số vùng nuôi trọng điểm của tỉnh cho các hộ nuôi để xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra. Dự báo, mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp, thường xuất hiện những cơn mưa lớn, kéo dài làm thay đổi các yếu tố thủy, lý, hóa, dẫn đến môi trường nuôi trồng thuỷ sản diễn biến theo chiều hướng xấu. Những sự thay đổi này làm động vật thủy sản giảm sức đề kháng và mẫn cảm hơn với các tác nhân gây bệnh có sẵn trong nước như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh và giảm hiệu quả nuôi thủy sản…
Để bảo vệ các đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, Chi cục Thủy sản khuyến cáo đối với các hộ nuôi thủy sản cần khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm để hạn chế thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra. Cùng với đó, tích cực kiểm tra và gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng; thực hiện các biện pháp phòng và trị bệnh trong mùa mưa bão, lũ, lụt như bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng; chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột với lượng 2-3kg/100m3 nước ao hoặc một số hóa chất được phép sử dụng trong nuôi thủy sản, như: TCCA, BKC, Chlorine... theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao nuôi, phòng bệnh cho thủy sản nuôi…
Nguyễn Thanh
- Hạ Long: Cần sớm có quy hoạch nuôi trồng thủy sản
- Hội thảo chuyên sâu về bệnh học thủy sản
- Ngành thủy sản 'đang khó khăn hơn cả thời đỉnh dịch'
- Ngành thủy sản khó khăn trầm trọng hơn cả đỉnh dịch COVID-19
- Doanh nghiệp thủy sản đối mặt với nhiều khó khăn
- Hải Hà: Đảm bảo an toàn cho ngư dân và vùng nuôi trồng thủy sản
Liên kết website
Ý kiến ()