Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:26 (GMT +7)
"Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập trong mùa mưa bão"
Thứ 2, 03/07/2023 | 15:04:56 [GMT +7] A A
Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão, công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ, đập trên địa bàn tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT (ảnh) về nội dung này.
- Ông đánh giá về vai trò, hiện trạng của hệ thống đê điều, hồ, đập trên địa bàn tỉnh trong công tác phòng chống lụt bão?
+ Về hệ thống đê, toàn tỉnh hiện có 33km đê cấp III, 134km đê cấp IV, 230km đê cấp V. Hệ thống này có nhiệm vụ bảo vệ cho khoảng 43.600ha và khoảng 240.000 người. Trong gần 30 năm qua, thông qua các chương trình, dự án lớn của Chính phủ, của các tổ chức quốc tế, như: Dự án nâng cấp hệ thống đê biển Bắc Việt Nam (PAM 5325); Dự án nâng cấp đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam theo Quyết định số 58/QĐ-CP của Chính phủ và các dự án nâng cấp, tu bổ đê của trung ương, của tỉnh… đã làm thay đổi cơ bản về khả năng chống chịu của hệ thống đê đối với thiên tai. Hiện nay, cơ bản hệ thống đê của tỉnh có khả năng chịu được gió bão cấp 9 kết hợp thủy triều tần suất 10%. Đây là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc. Riêng đê Hà Nam (TX Quảng Yên) có khả năng chịu được gió cấp 10 kết hợp thủy triều 5%. Thực tế cho thấy, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây mặc dù hằng năm chịu ảnh hưởng từ 1-2 cơn bão, hệ thống đê của tỉnh chưa xuất hiện sự cố nghiêm trọng nào. Đây chính là kết quả rõ nét nhất của quá trình đầu tư nâng cấp hệ thống đê.
Đối với hệ thống hồ, đập, trên địa bàn tỉnh hiện có 176 đập, hồ chứa thủy lợi đang hoạt động, tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 33.102ha, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp 36,3 triệu m3, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000ha. Các hồ chứa loại vừa và lớn đều do các công ty TNHH MTV thủy lợi quản lý, cơ bản đảm bảo, vì các đơn vị này đủ điều kiện về vận hành, khai thác. Qua rà soát, đối với các hồ chứa vừa và lớn của tỉnh, hiện mức độ đảm bảo an toàn đã được nâng lên nhiều so với trước đây. Trong đó, đối với các hồ chứa trên 10 triệu m3, mức độ an toàn đạt bảo đảm với tần suất lũ 1% (100 năm sẽ có 1 đợt lũ vượt tần suất); đối với hồ chứa đến 5 triệu m3, mức độ bảo đảm đạt 1,5%; các hồ loại nhỏ cơ bản đạt tần suất 2%. Mức độ bảo đảm này phù hợp với Quy chuẩn 04-05:2012 của Bộ NN&PTNT. Quảng Ninh là một số ít địa phương trong nước cơ bản đạt tiêu chí này.
- Những năm gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, gây thiên tai có khả năng ảnh hưởng đến an toàn các công trình đê điều, hồ đập. Để đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập trước mùa mưa bão sắp tới, tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nào?
+ Để đảm bảo an toàn cho các công trình đê điều, hồ đập trước mùa mưa bão năm 2023 và các năm tiếp theo, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 264-KH/TU (ngày 20/2/2023) thực hiện Kết luận số 36-KL/TW (ngày 23/6/2022) của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 888/QĐ-UBND (ngày 16/4/2023) về việc phê duyệt Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Văn bản số 778/UBND-NLN3 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở này, toàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các loại hình thiên tai; kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt quan tâm tới các cộng đồng dân cư sinh sống ven đê và vùng hạ du các đập, hồ chứa; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn.
Các địa phương, đơn vị đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai. Trong đó chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, thủy lợi, đặc biệt là các vị trí xung yếu để kịp thời xử lý, khắc phục; kiểm tra, rà soát các phương án huy động, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn của địa phương để có biện pháp xử lý, bổ sung, đảm bảo đủ số lượng cần thiết khi huy động. Đồng thời thực hiện nghiêm chế độ tuần tra, canh gác, kể cả khi không có lũ, bão; giải tỏa vật cản thoát lũ, phát quang phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra canh gác, phát hiện sự cố công trình và xử lý kịp thời sự cố ngay từ giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Sở NN&PTNT củng cố đơn vị chuyên trách về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người tham gia hoạt động về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn; kiện toàn lực lượng quản lý đê nhân dân tại các địa phương, đảm bảo đủ số lượng, có năng lực phù hợp để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác đê trong mọi tình huống. Các đơn vị quản lý công trình thủy lợi được bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình; tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa. Với các hồ chứa nước lớn đều đã được xây dựng, phê duyệt phương án ứng phó trường hợp khẩn cấp và bản đồ ngập lụt hạ đập.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thanh (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()