Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:43 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều
Thứ 6, 27/09/2024 | 05:26:58 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có bờ biển trải dài, nhiều khu vực trũng so với mực nước biển dâng. Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cùng với việc xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, bão lũ, tỉnh luôn quan tâm đầu tư kinh phí để tu bổ, sửa chữa các tuyến đê xung yếu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân.
Là địa bàn trọng điểm, TX Quảng Yên có nhiều tuyến đê trọng yếu, bảo vệ trên 150.000 người dân và khu kinh tế ven biển, các khu công nghiệp; có 33,67km đê cấp III và 36km đê cấp IV. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 13,6km đê cấp IV chưa được bê tông hóa (tại các phường, xã: Đông Mai, Yên Giang, Hiệp Hoà, Sông Khoai, Hà An). TX Quảng Yên đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ngành cải tạo, nâng cấp 12km tuyến đê Đồng Bái - Mai Hòa và 1,6km tuyến đê Hà An, TX Quảng Yên.
Còn tại TP Móng Cái, hệ thống đê trên địa bàn hiện có đê cấp IV và đê cấp V. Đối với tuyến đê cấp IV là đê Hồ Viết và Hồ Nam nằm trên địa bàn xã Hải Xuân có 10,5km còn khá yếu. Đê Hồ Viết mới được kè mái còn mặt đê chưa được cứng hóa nên công tác phòng, chống thiên tai mùa mưa bão rất khó khăn. Ngoài ra, tuyến đê Hồ Nam còn khoảng 1,5km chưa được đầu tư và cứng hóa mái đê. TP Móng Cái cũng đã có văn bản tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan cho phép đầu tư nâng cấp hạ tầng các tuyến đê này nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 400km đê, trong đó có 33km đê cấp III, 134km đê cấp IV, 230km đê cấp V. Hệ thống đê này có nhiệm vụ bảo vệ cho khoảng 43.600ha và khoảng 240.000 người. Nhiều tuyến đê sau khi được nâng cấp, tăng khả năng chống chịu bão lên cấp 9, số còn lại khả năng chống bão từ cấp 6-8, tần suất triều cường từ 5-10%. Đê Hà Nam là tuyến duy nhất của tỉnh đạt tiêu chuẩn đê cấp III, hiện toàn tuyến đã được nâng cấp tổng thể và có khả năng chống bão cấp 10.
Hằng năm, tỉnh cũng chỉ đạo các công ty thủy lợi rà soát, kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương để phân loại, đánh giá xây dựng kế hoạch, sửa chữa các hạng mục công trình xung yếu; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Trên cơ sở đó lập danh mục những hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, tham mưu cho tỉnh có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình và người dân. Đối với chương trình nâng cấp đê sông, từ đầu năm đến nay, tỉnh và các địa phương đã củng cố, nâng cấp 6,84km đê Hồng Phong (TX Đông Triều) với tổng kinh phí 50 tỷ đồng. Đối với chương trình nâng cấp đê biển, năm 2022, toàn tỉnh đã hoàn thành 17/20 dự án (3 dự án không thực hiện nâng cấp do chuyển đổi mục đích sử dụng đối với khu vực bảo vệ và khu vực phía biển của tuyến đê nên không cần thiết đầu tư xây dựng).
Các tuyến đê cửa sông, đê biển trên địa bàn tỉnh hầu hết có cây chắn sóng bảo vệ với mật độ thưa khác nhau; chiều rộng bãi cây chắn sóng trong khoảng từ 10m-200m; nhiều tuyến đê có hệ thống rừng chắn sóng phát triển rất tốt, cây chắn sóng được mọc và phát triển lâu đời. Tổng kinh phí cấp qua Bộ NN&PTNT để giao cho Sở NN&PTNT thực hiện duy tu, tu bổ đê điều từ năm 2008 đến 2023 là 116,5 tỷ đồng.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mặc dù hằng năm chịu ảnh hưởng từ 1-2 cơn bão, hệ thống đê của tỉnh chưa xuất hiện sự cố nghiêm trọng nào. Đây là kết quả rõ nét nhất của quá trình đầu tư nâng cấp hệ thống đê.
Để đảm bảo an toàn lâu dài các tuyến đê điều, ngày 15/12/2017, UBND tỉnh ra Quyết định số 4839/QĐ-UBND phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Dự kiến, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ cải tạo nâng cấp 22 tuyến đê địa phương với tổng chiều dài 88,6km; xây dựng mới 4 tuyến đê tại TX Quảng Yên và huyện Đầm Hà với tổng chiều dài 47,7km; nâng cấp 11 tuyến đê từ cấp IV lên cấp III, bao gồm 3 tuyến đê sông dài 13,4km (khu vực TX Đông Triều), 4 tuyến đê cửa sông dài 27,6km (TP Uông Bí), 4 tuyến đê biển dài 31,875km (TP Móng Cái, huyện Hải Hà, TX Quảng Yên). Hiện, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát từng đoạn tuyến đê xung yếu, báo cáo UBND tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời hoặc cho vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2022-2025.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhằm nâng cao năng lực của hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh, chủ động phòng chống bão lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Sở đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các loại hình thiên tai; nâng cao kinh nghiệm, kiến thức phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt quan tâm tới các cộng đồng dân cư sinh sống ven đê và vùng hạ du các đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn. Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đê điều. Đồng thời, đề nghị các địa phương bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng, khả năng chống bão lũ của đê, cũng như những công trình, hạng mục hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()