Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:40 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn diện tích tôm nuôi vụ đông
Thứ 3, 18/10/2022 | 07:50:26 [GMT +7] A A
Đang là thời điểm giao mùa nên thời tiết thay đổi thất thường, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của con tôm. Nhằm giảm rủi ro và tăng hiệu quả nuôi tôm, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh thay vì nghỉ đông đã chủ động phát triển nuôi tôm trái vụ (vụ thu - đông). Việc nuôi tôm vụ thu - đông gặp nhiều khó khăn do nhiệt độ xuống sâu trong nhiều tháng khiến con tôm hạn chế bơi lội, thời gian sinh trưởng dài hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn giảm. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn cũng tác động đến nhiệt độ, độ mặn, pH, kiềm trong nước... làm con tôm khó thích nghi, tăng trưởng kém, miễn dịch giảm, tiềm tàng nhiều rủi ro, thiệt hại.
Để giải quyết bài toán này, nhiều trang trại nuôi tôm trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý, kiểm soát việc nuôi tôm vụ thu - đông khá hiệu quả. Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được áp dụng rộng rãi tại các địa phương, như: Quảng Yên, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái. Với mô hình này, các hộ nuôi đã đầu tư hệ thống nhà che bạt, áp dụng công nghệ cao để quản lý môi trường nước, giúp chủ động kiểm soát nhiệt độ ổn định, tránh được thời tiết bất lợi tác động đến pH, độ mặn, gây phân tầng nước trong ao nuôi, giảm thiểu dịch bệnh cho con tôm; nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, nuôi tôm trong ao đất bền vững; ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm.
Ông Phạm Văn Đỗ (chủ hộ nuôi tôm, thôn 3, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái) chia sẻ: Để đảm bảo điều kiện nuôi gối vụ quanh năm, gia đình tôi đã áp dụng quy trình nuôi hoàn toàn trong nhà bạt nhằm hạn chế các tác động của thời tiết. Đồng thời, nuôi tôm theo quy trình 3 giai đoạn giúp kiểm soát được con giống, chất lượng nước đầu vào, các yếu tố môi trường trong bể nuôi, hệ thống xử lý chất thải Biogas..., giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm do chất thải từ ao tôm. Nhờ vậy, những năm gần đây, việc nuôi tôm của gia đình luôn được đảm bảo, tôm sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh thả nuôi hơn 5,1 tỷ con giống thủy sản các loại, trong đó, gần 1,8 tỷ tôm giống, tăng 39,8% so với cùng kỳ 2021. Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi; lấy mẫu chẩn đoán tác nhân gây bệnh và phối hợp xử lý kịp thời không để dịch bệnh phát sinh và lây lan trên diện rộng, đặc biệt là bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm. Song song đó, thành lập đoàn thanh, kiểm tra về việc chấp hành pháp luật nhà nước, pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực kinh doanh, lưu hành, sử dụng thuốc thú y, thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương quản lý chặt các chỉ tiêu môi trường, thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, định kỳ xử lý diệt khuẩn lại ao nuôi, dùng các chế phẩm sinh học cải thiện nền đáy ao, bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.
Theo ông Đỗ Đình Minh, Giám đốc Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), để triển khai thực hiện nuôi tôm vụ thu - đông cho năng suất cao, các công ty, hộ sản xuất cần rà soát lại quy hoạch chi tiết để có giải pháp bố trí lại mặt bằng sản xuất hợp lý, nhằm tiết kiệm diện tích, đầu tư, chi phí để tổ chức sản xuất bền vững cho chính các hộ nuôi. Bên cạnh đó, người nuôi cần cải tạo ao nuôi đúng quy trình, thả tôm với mật độ phù hợp; thường xuyên theo dõi môi trường trong ao nuôi để có biện pháp điều chỉnh, xử lý kịp thời; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế dùng hóa chất diệt khuẩn nhằm ổn định môi trường ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi nên cho tôm ăn đúng khẩu phần, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, vi lượng để tăng cường sức đề kháng cho tôm.
Thời gian tới, tình hình thời tiết và dịch bệnh trên tôm được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nhằm nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra ao nuôi và báo ngay với cán bộ khuyến ngư khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tôm dự trữ các vật tư cần thiết như: Vôi, khoáng, vitamin C, chế phẩm sinh học... để có biện pháp xử lý môi trường kịp thời và hiệu quả; tăng cường hệ thống quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ; bổ sung vitamin C vào môi trường nước và trộn vào thức ăn theo liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()