Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:34 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão
Thứ 3, 16/08/2022 | 14:03:37 [GMT +7] A A
Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, các ngành liên quan cùng với các địa phương trong tỉnh đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, hồ đập để từ đó có phương án xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 397km đê, trong đó 33km đê cấp III, 134km đê cấp IV và 230km đê cấp V. Hệ thống đê này có nhiệm vụ bảo vệ cho trên 43.600ha diện tích. Hiện nay, hệ thống đê của tỉnh có khả năng chịu được gió bão cấp 9 kết hợp thủy triều tần suất 10%, đây là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc. Trên địa bàn tỉnh hiện có 188 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, trong đó có 22 đập, hồ chứa nước lớn và 168 đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ. Mực nước trữ hiện nay tại các hồ đập đạt 71% dung tích thiết kế và tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 26 triệu m3.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT: Để đảm bảo vận hành và quản lý an toàn các công trình thủy lợi trước mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương quản lý hồ chứa tổ chức rà soát, đánh giá các công trình. Trong đó, tập trung tổ chức kiểm tra lại các công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn và tiến hành gia cố, sửa chữa các công trình để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đối với các trạm bơm tiêu úng, ngay từ đầu mùa mưa bão đã bảo dưỡng và tiến hành chạy thử để có thể vận hành tốt khi có yêu cầu.
Theo đó, các đơn vị thủy lợi trên địa bàn đã tập trung tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, tu bổ hệ thống đê điều, hồ đập. Đơn cử, như Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập hiện đang quản lý 13 hồ thủy lợi tại 5 địa phương, gồm: Uông Bí (1 hồ), Quảng Yên (1 hồ), Hạ Long (6 hồ), Cẩm Phả (1 hồ), Vân Đồn (4 hồ). Trong đó, riêng hồ Yên Lập là một trong những công trình trọng điểm có dung tích chứa lớn nhất tỉnh với hơn 127 triệu m3. Ngoài ra, công ty cũng đang quản lý vận hành 2 tuyến kênh gồm: Kênh chính Yên Lập (dài hơn 26,5km); kênh N2B (dài hơn 13km). Trước mùa mưa bão năm 2022, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập đã và đang khẩn trương rà soát, đề xuất sửa chữa, nâng cấp bảo vệ an toàn cho các công trình thủy lợi. Cụ thể là khắc phục sự cố đoạn từ Km4+328,5 đến Km5+087,5 (thuộc kênh N2B, phường Nam Khê, TP Uông Bí); hoàn thành Dự án chống thấm rỗng thân đập hồ Yên Lập và xử lý phần xói lở hạ du hồ Cao Vân...
Cùng với việc nâng cấp, cải tạo, đầu tư các công trình thủy lợi các phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" (lực lượng, chỉ huy, phương tiện, hậu cần tại chỗ; sẵn sàng chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) cũng được Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung triển khai. Trong đó, công tác chuẩn bị ứng phó được đặc biệt quan tâm thực hiện với các biện pháp như: Tăng cường tuần tra, canh gác, chủ động phát hiện các sự cố công trình, các hành vi vi phạm; rà soát, đánh giá lại số lượng, chất lượng các loại vật tư, phương tiện phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn hiện có để có phương án bổ sung phù hợp, kịp thời; hoàn chỉnh phương án vận hành điều tiết hồ, phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du cho từng hồ. Khi có dự báo tình huống mưa lớn, các đơn vị quản lý hồ có căn cứ phương án, thực trạng công trình để chủ động hạ mực nước phòng lũ, đồng thời vẫn phải đảm bảo trữ lượng nước phục vụ. Song song các nhiệm vụ trên, Sở NN&PTNT cũng phối hợp với các địa phương nâng cao việc tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quản lý công trình thủy lợi để đảm bảo quản lý, vận hành an toàn đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()