Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:26 (GMT +7)
Đảm bảo an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững
Thứ 3, 02/05/2023 | 12:49:53 [GMT +7] A A
Thực hiện mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển và không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau, cùng với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho nhân dân, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Xóa khoảng cách vùng miền
Để đảm bảo phát triển bền vững, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở khu vực nông thôn. Từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 233.600 tỷ đồng; trong đó có đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm. Đến nay, các xã đảo trên địa bàn tỉnh và 100% thôn, bản trong đất liền có điện lưới quốc gia.
Tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại. Mô hình giáo dục thông minh từng bước phát triển. Đến nay toàn tỉnh có 551 trường đạt chuẩn quốc gia (87,32%). Hệ thống y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, tạo thuận lợi cho người dân đến khám, chữa bệnh cũng như triển khai tốt hoạt động dự phòng, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, tỉnh quan tâm công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nông thôn. Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 85%; trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2); hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (giai đoạn 2) với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách.
Giai đoạn 2017-2020, tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể và sự tham gia tích cực của người dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135). Tổng nguồn vốn huy động từ các nguồn lực xã hội gần 1.800 tỷ đồng, mức bố trí vốn cho xã đặc biệt khó khăn/năm cao hơn khoảng 7 lần so với định mức trung ương bố trí.
Cùng với sự chuyển biến rõ rệt về diện mạo vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn khó khăn; những mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đã có gần 500 hộ chủ động đăng ký lộ trình, phấn đấu thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh hoàn thành chương trình 135, trước 1 năm so với lộ trình đề ra.
Cụ thể hóa các chủ trương của trung ương, thu hẹp khoảng cách chênh lệch và tỷ lệ hộ nghèo khu vực này so với các vùng miền khác, tỉnh tiếp tục xây dựng Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh khóa XIV, đã thông qua chủ trương đầu tư “Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, nhằm tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nguồn lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập cho đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, đồng thời nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, vùng miền, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU, các địa phương đã xây dựng kế hoạch, chương trình, cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, tạo sự đồng thuận cao của cộng đồng, người dân, nhất là người dân tại các xã vùng cao, vùng đồng bào DTTS.
Cuối năm 2021, sau khi thu hoạch 1,5ha cây keo, gia đình chị Trần Thị Dương (thôn Phá Lán, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ) được cán bộ xã vận động, hướng dẫn trồng cây gỗ lớn, được hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh. Gia đình chị cũng như một số hộ dân của xã đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây Giổi. Để giải quyết bài toán về nguồn thu nhập trước mắt, gia đình chị đã trồng xen canh các loại cây dược liệu bản địa (sâm cát, xạ hương) dưới tán rừng cây gỗ lớn. Đến nay rừng cây gỗ lớn và cây dược liệu dưới tán của gia đình chị đều phát triển tốt.
Một trong những “chìa khóa” giảm nghèo được triển khai hiệu quả thời gian qua chính là nguồn vốn vay tín dụng chính sách. Các địa phương đã huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay này, ưu tiên tập trung cho địa bàn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, triển khai kịp thời các chế độ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2021-2022 tỉnh đã phân bổ gần 200 tỷ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay, giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đến nay, Ngân hàng CSXH đã thực hiện cho vay trên 2.680 lượt khách hàng với số tiền gần 196,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người dân vùng DTTS.
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, người DTTS được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Chăm lo công tác an sinh xã hội của tỉnh đã góp phần ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn. Thu nhập bình quân vùng nông thôn, miền búi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 52,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 0,14%. Những thành quả này tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()