Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:22 (GMT +7)
Đảm bảo an sinh xã hội bằng những chính sách riêng có
Thứ 3, 27/06/2023 | 07:13:12 [GMT +7] A A
Không chỉ thực hiện tốt các chính sách theo quy định của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh còn giải quyết những yêu cầu về an sinh xã hội cấp bách theo hướng nâng mức hỗ trợ cao hơn so với mức tối thiểu do Nhà nước quy định, mở rộng đối tượng thụ hưởng theo chính sách đã có và ban hành thêm nhiều chính sách mới, tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu...
Đến cuối năm 2022, Quảng Ninh còn 258 hộ nghèo, 2.554 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Trước thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hộ có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương, nhưng chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, cận nghèo, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, quy định mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh với tiêu chí thu nhập khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng; khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức chuẩn nghèo của tỉnh gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập. Điều này đã mang lại động lực cho những hộ khó khăn trên địa bàn.
Bà Trần Thị Bài (thôn Voòng Tre, xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn) cho biết: Năm 2022, gia đình tôi được hỗ trợ xây mới nhà ở dù đã không còn trong diện hộ nghèo. Tuy nhiên, thực tế gia đình tôi vẫn khá khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào con trai đi làm thuê. Với quy định của tỉnh hiện nay, những hộ khó khăn như gia đình tôi vẫn có thể được hỗ trợ để từ đó phát triển kinh tế bền vững hơn.
Không chỉ nâng chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, Quảng Ninh còn nhiều chính sách riêng có nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tiêu biểu như: Người tham gia BHXH tự nguyện thường trú trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ thêm ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 30%, đối tượng còn lại nhận hỗ trợ 20% mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn); hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho hộ cận nghèo (Trung ương là 70%); hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác (quy định của Trung ương là từ 80 tuổi trở lên); hỗ trợ 80% chi phí mua BHYT cho người thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (Trung ương là 30%)... Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 94,25% dân số.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các chế độ, chính sách đối với gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo... 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã thực hiện trợ cấp 345.539 suất quà Tết với tổng số tiền 191,8 tỷ đồng; hỗ trợ chính sách đặc thù theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND cho 6.218 lượt trẻ em với tổng số tiền 9,84 tỷ đồng.
Cùng với đó, Quảng Ninh đang tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn năm 2023, phấn đấu đến dịp Quốc khánh 2/9/2023 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng trọng yếu, đối tượng bảo trợ xã hội…
Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, KCN, phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động; đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng có thu nhập thấp.
Hiện tỉnh đã khởi công và triển khai Dự án nhà ở công nhân KCN Đông Mai (phường Đông Mai, TX Quảng Yên) và Dự án nhà ở xã hội tại đồi Ngân hàng (TP Hạ Long), đồng thời chuẩn bị điều kiện để tổ chức khởi công các dự án nhà ở xã hội nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh.
Mặt khác, tỉnh và các địa phương cũng tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu phấn đấu năm 2023 tạo 20.000 việc làm mới tăng thêm và giảm số người bị mất việc trong các doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.600 lao động.
Được biết, tổng chi công tác an sinh xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đạt 0,041%. Sự quan tâm của tỉnh và các địa phương đối với công tác an sinh xã hội là động lực để người dân trên địa bàn an tâm phát triển sản xuất, từ đó tiếp tục thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển bền vững.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()