Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 07:36 (GMT +7)
Đảm bảo an sinh, phục hồi kinh tế
Thứ 6, 08/07/2022 | 08:51:06 [GMT +7] A A
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động, đời sống nhân dân. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ dẫn đến doanh nghiệp phá sản, ngừng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng; người lao động không có việc làm, giảm thu nhập trở nên phổ biến. Các nhóm đối tượng yếu thế, người lao động trong khu vực phi chính thức càng gặp nhiều khó khăn hơn... Với quyết tâm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt các giải pháp, từng bước phục hồi kinh tế; triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch với chủ trương “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ hiệu quả
Hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 xuất hiện và liên tiếp có biến thể mới phức tạp, khó lường. Ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, số ca mắc mới trên địa bàn Quảng Ninh tăng nhanh. Bên cạnh đó, những khó khăn về thị trường tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; giá xăng, dầu, nguyên vật liệu và nhiều loại hàng hóa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện chủ đề công tác năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; giữ đà tăng trưởng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Cùng với các nghị quyết của Chính phủ, tỉnh đã dành nguồn lực ưu tiên với hàng loạt các chính sách, chương trình thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo đời sống người dân, việc làm cho người lao động. Qua đó, đã hỗ trợ kịp thời tới người dân, người lao động, người sử dụng lao động, giúp họ vượt qua khó khăn, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch. Tính đến nay, tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 490.685 người và 6.350 đơn vị sử dụng lao động với tổng số tiền hỗ trợ trên 787 tỷ đồng; tiếp nhận hỗ trợ 123 lao động của 9 doanh nghiệp về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; thăm hỏi, tặng 275.455 suất quà Tết... Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, MTTQ cũng tiếp nhận trên 1,4 tỷ đồng, nâng tổng số kinh phí tiếp nhận được từ khi phát động cuộc vận động ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 đến nay là 232,8 tỷ đồng. Qua đó, đã phân bổ 4,16 tỷ đồng hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị, người bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng giới thiệu việc làm trong nước cho trên 800 lượt lao động; tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, giải quyết kịp thời chính sách, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 1.867 lao động.
Để thúc đẩy phát triển và chăm lo toàn diện cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi, biên giới, hải đảo, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 50/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Tổng vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 là 4.200 tỷ đồng, gồm ngân sách tỉnh, địa phương và huy động; trong đó, ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH, phát triển sản xuất, thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội.
Từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã phân khai vốn ngân sách cho các địa phương, đơn vị triển khai các dự án. Nhiều dự án giao thông, văn hóa, giáo dục... đã và đang được triển khai đầu tư, như: Đường giao thông nối trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên), nhà văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm văn hóa dân tộc Sán Chỉ; nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu giai đoạn 1... Tiếp đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 96/NQ-HĐND (ngày 31/5/2022) điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 50/NQ-HĐND (ngày 13/11/2021). Trong đó, bổ sung 3 công trình Trường THPT Ba Chẽ, Trường THPT Bình Liêu, Trường THCS&THPT Hoành Mô với tổng vốn dự kiến 200 tỷ đồng trong năm 2022-2023. Thực hiện nội dung này, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã ban hành quyết định phân cấp quản lý; thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm trình tự, thủ tục, thẩm quyền chặt chẽ; chuẩn bị các bước đầu tư dự án, như hồ sơ, đấu thầu, mặt bằng...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai nguồn lực xã hội hóa với 16,95 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM. Riêng Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong 6 tháng đầu năm nay đã triển khai hỗ trợ 4 địa phương cấp huyện đạt chuẩn hoàn thành chương trình xây dựng NTM năm 2022. Trong đó, đã hỗ trợ huyện Bình Liêu, Ba Chẽ xây dựng 847 nhà tiêu hợp vệ sinh, với 3,388 tỷ đồng. MTTQ các địa phương cũng huy động nguồn lực và hiện vật, trị giá trên 6,5 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM tại các địa phương. Cùng với đó, MTTQ và các tổ chức thành viên còn huy động mạnh mẽ các nguồn lực, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 134 nhà ở cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 7 tỷ đồng; tổ chức thăm hỏi, gói bánh chưng tặng các lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, người đang điều trị, công nhân KCN ở lại địa bàn tỉnh đón Tết...
Đến nay, các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ, không ngừng nâng cao chất lượng theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025. Đối với 98 xã thực hiện chương trình NTM trong tỉnh, bình quân đạt 16,03/19 tiêu chí, 51,62/57 chỉ tiêu (bình quân tăng 1,51 tiêu chí và 2,95 chỉ tiêu). Đối với 44 xã NTM nâng cao, bình quân đạt 13,48/19 tiêu chí và 62,18/75 chỉ tiêu (tăng bình quân 3 tiêu chí, 6 chỉ tiêu). Đối với 7 huyện NTM, bình quân đạt 4,6/9 tiêu chí và 25,3/36 chỉ tiêu (tăng 0,17 tiêu chí, tăng 2,56 chỉ tiêu). Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,05% (tương đương 205 hộ), từ 0,41% (năm 2021) nay còn 0,36%.
Tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân
Đến thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt. Thời gian gần đây, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều sự kiện lớn, tập trung đông người, như: Canaval Hạ Long, SEA Games 31, Festival áo dài; Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ IX... nhưng không để xuất hiện các ổ dịch. Đây là kết quả từ những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, kiên trì phòng, chống dịch, bằng phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh và các địa phương, trong đó tập trung triển khai chiến lược vắc-xin chủ động, “thần tốc”, tuyệt đối an toàn.
Quảng Ninh đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, giữ địa bàn an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới. Tỉnh đã sớm triển khai tiêm 2 mũi cơ bản và mũi 3 (liều nhắc lại) vắc-xin phòng Covid-19. Hiện, độ bao phủ vắc-xin hiện nay của tỉnh ở các đối tượng đều cao hơn cả nước. Đối với người trên 18 tuổi, mũi 1 đạt 99,82%; mũi 2 đạt 99,42%; mũi 3 đạt 96,68%. Trẻ em từ 12-17 tuổi, mũi 1 đạt 99,81%, mũi 2 đạt 98,52%. Đối với trẻ em từ 5 tới 12 tuổi, mũi 1 đạt 31%, mũi 2 đạt 15%.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2; BA.2.3, BA.2.3.2; trong khi biến thể phụ BA.5 ghi nhận ở nhiều quốc gia đã xâm nhập vào Việt Nam và có thể dẫn đến số ca mắc Covid-19 tăng trong thời gian tới. Trước những tình huống và nguy cơ có thể xảy ra dịch diện rộng, tỉnh đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trọng tâm là công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Quảng Ninh đã nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người dân, tạo “lá chắn” bảo vệ liên tục trước dịch bệnh. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân tham gia tiêm chủng và tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động phòng chống dịch.
Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 mới tại Quảng Ninh đã giảm sâu; hiện ghi nhận từ 20-30 ca bệnh/ngày. 99,5% ca bệnh đều có triệu chứng nhẹ và không triệu chứng. Tỷ lệ tử vong thấp hơn 10 lần so với bình quân chung của cả nước; trong đó chủ yếu là người trên 80 tuổi, có bệnh lý nền nặng và chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Điều này đã khẳng định vắc-xin chính là “lá chắn” an toàn nhất trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Để chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để bổ sung Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển vào quy hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ điều chuyển về trực thuộc tỉnh quản lý trong năm 2021; đồng thời, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Chủ trương này hướng tới mục tiêu bệnh viện trở thành trung tâm khám chữa bệnh về phổi, các bệnh đường hô hấp của khu vực và cả nước, được đầu tư đồng bộ, hiện đại; thu hút nhân lực y tế chất lượng cao nhằm tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế của tỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân...
Phục hồi nhanh nền kinh tế
Những nỗ lực “vượt bão” Covid-19 của tỉnh đã đáp ứng kịp thời các yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế vượt giai đoạn khó khăn nhất.
Nhìn lại chặng đường 6 tháng qua càng thấy rõ sự quyết liệt của tỉnh trong chỉ đạo các biện pháp ổn định sản xuất kinh doanh, phục hồi nhanh các ngành kinh tế. Đặc biệt, tỉnh có những giải pháp căn cơ trong thu ngân sách nhà nước; xác định rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, địa phương gắn với vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành. Tỉnh cũng chỉ đạo có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2022-2023, trong đó, tập trung phát huy tối đa vai trò trụ cột của ngành than, điện và công nghiệp chế biến, chế tạo trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách; đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu. Với việc nhanh chóng thiết lập “vùng xanh an toàn”, “luồng xanh an toàn” sau thời gian ngưng hoạt động, đến ngày 26/4, Cửa khẩu cầu Bắc Luân II đã thông quan trở lại. Tiếp đó, ngày 30/5, Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên cũng chính thức thông quan trở lại sau hơn 3 tháng tạm dừng.
Cùng với các mặt hàng hóa khác, các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái đã có hàng chục nghìn tấn hàng hóa thuộc chuỗi lạnh đã xuất khẩu sang Trung Quốc, với các mặt hàng, như: Thủy, hải sản đông lạnh; hải sản tươi sống; hoa quả tươi và các mặt hàng nông sản khác... Với những giải pháp tích cực, hoạt động xuất nhập khẩu được khôi phục và từng bước ổn định.
Dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch chính thức được mở cửa hoàn toàn trở lại từ tháng 3/2022. Để sớm đưa ngành công nghiệp không khói sôi động trở lại, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 và Đề án phục hồi ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch...
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo nhanh chóng cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch và ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, trong đó phát triển mạnh các loại hình du lịch, như: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa; du lịch chăm sóc sức khỏe, trong đó khai thác các giá trị văn hoá ẩm thực cũng như giá trị các di sản; kết hợp phát triển du lịch sinh thái, đa dạng trải nghiệm và khai thác tốt loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện...
Sau hàng loạt các chương trình, sự kiện du lịch như Carnaval Hạ Long 2022, Festival áo dài 2022, bước vào “mùa vàng du lịch” hè năm nay, Quảng Ninh ghi dấu ấn sâu đậm với du khách trong và ngoài nước khi tổ chức thành công sự kiện SEA Games 31 với 7 môn thi đấu tại địa phương. Từ sự kiện này đã góp phần quảng bá sâu rộng vùng đất, tiềm năng, du lịch của Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Sự chỉ đạo quyết liệt và các giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế, 6 tháng năm 2022, kinh tế của Quảng Ninh phục hồi nhanh chóng với những con số ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ 2021 (cùng kỳ tăng 8,02%). Trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng ước tăng 12,04%, cao hơn 2,91 điểm % so với cùng kỳ 2021. Nổi bật hơn, ngành Dịch vụ có chuyển biến mạnh, ước tăng 11,15%, cao hơn 4,08 điểm % so với cùng kỳ 2021. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 5,5 triệu lượt, gấp 2,2 lần cùng kỳ 2021. Doanh thu du lịch đạt 12.129 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước...; thuế sản phẩm tăng 6,28%, cao hơn 1,38 điểm % so với cùng kỳ 2021. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 28.671 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 24% so với cùng kỳ 2021... Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước tăng 14,72% so với cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng ước đạt 1.179 triệu USD, tăng 0,76% so với cùng kỳ 2021.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành và những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, kinh tế của Quảng Ninh đang phục hồi mạnh mẽ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống, sức khỏe của người dân được nâng lên.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()