Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:43 (GMT +7)
Đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững
Thứ 2, 07/06/2021 | 06:53:27 [GMT +7] A A
Đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng, nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống - xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài, nên mực nước trong các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước nghiêm trọng cho các địa phương. Trước tình hình đó, cuối năm 2020, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, xây dựng đề án đảm bảo an ninh nguồn nước. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT.
- Xin ông cho biết, an ninh nguồn nước đóng vai trò quan trọng như thế nào trong phát triển KT-XH?
+ Có thể khẳng định, trong bất cứ thời điểm nào, nước là sự sống, là tài nguyên đặc biệt, có vai trò thiết yếu đối với đời sống con người. Thừa và thiếu nước đều là thảm họa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sự phát triển bền vững của xã hội. Nguồn nước ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh hệ sinh thái, do vậy, việc bảo đảm an ninh nguồn nước có thể hiểu là phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, về kết cấu hạ tầng ngành nước, để cân bằng nguồn nước phục vụ các mục tiêu KT-XH và môi trường.
- Những thách thức mà Quảng Ninh đang gặp phải đối với an ninh nguồn nước hiện nay như thế nào, thưa ông?
+ Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Quảng Ninh được đánh giá là địa phương có nguồn nước dồi dào, với tổng lượng nước mặt khoảng 8,33 tỷ m3/năm. Song trong quá trình phát triển KT-XH, Quảng Ninh đã và đang ngày càng phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước. Đó là tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước; thách thức với nguồn nước cấp cho du lịch. Đặc biệt, theo kết quả tính toán của Viện kỹ thuật công trình (Bộ NN&PTNT) cho thấy, đến năm 2025, tổng nhu cầu về nước của cả tỉnh tăng 30% so với hiện tại, trong đó nhu cầu nước cho công nghiệp, du lịch, dịch vụ sẽ tăng đột biến, khoảng 109% và sẽ tăng 125% vào năm 2030.
Trước nhu cầu dùng nước ngày càng lớn và để phát triển bền vững KT-XH của tỉnh, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu các giải pháp mới, bổ sung về quy hoạch hệ thống cấp nước, cũng như xây dựng bổ sung về quy hoạch hệ thống cấp nước, hệ thống hồ chứa. Do đó, việc xây dựng đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Để từ đó, tỉnh có những hoạch định, chiến lược đảm bảo sự phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn nước; đáp ứng nhu cầu cấp nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phòng chống thiên tai, nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; làm cơ sở cho kế hoạch đầu tư phát triển thủy lợi, thủy sản, du lịch biển.
- Vậy quan điểm, mục tiêu và các giải pháp chủ yếu đặt ra trong đề án như thế nào để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả cao nhất cho vấn đề an ninh nguồn nước?
+ Bám sát quan điểm của tỉnh, đề án đặt ra là sẽ đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, việc nào cấp bách thì làm trước, lâu dài thì làm từng bước và phải có đột phá để xử lý vấn đề khó. Với sự tính toán của các nhà khoa học, phạm vi thực hiện của đề án sẽ là toàn bộ phần đất liền, các đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, đảo có dân sinh sống, đảo có thể phát triển du lịch trên địa bàn Quảng Ninh.
Các nội dung trọng tâm mà đề án sẽ tập trung thực hiện, là: Đánh giá hiện trạng nguồn nước, hiện trạng quản lý các công trình hồ chứa nước; tính toán cân bằng nguồn nước đối với từng phân khu, phân vùng, để xác định nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn; tình trạng thừa, thiếu nước sau khi xây dựng bổ sung các công trình. Từ đó đưa ra các nhóm nhiệm vụ gắn với các kịch bản phát triển, khai thác nguồn nước. Đề án cũng sẽ đánh giá cụ thể, chi tiết về tính hiệu quả phát triển KT-XH giữa việc đầu tư xây dựng hồ chứa mới với việc nâng cấp, cải tạo các hồ đã có, trong đó ưu tiên phương án tận dụng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, tận dụng khai trường mỏ sau khai thác cải tạo thành hồ chứa; cập nhật thêm đề án bảo vệ môi trường để có những giải pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả; sơ đồ hóa, bản đồ hóa nhu cầu sử dụng nước tại các vùng, khu vực đang thiếu nước…
- Đến thời điểm này, việc triển khai đề án đang được thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Với nhiệm vụ của đơn vị chủ trì, chúng tôi đã thành lập Tổ xây dựng đề án, thành viên gồm các nhà khoa học hàng đầu của Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, Tổ xây dựng đề án đã nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan của các địa phương, cơ quan, đơn vị và đang triển xây dựng Dự thảo đề án; tổ chức cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương để lấy ý kiến lần 3. Dự kiến hoàn thành Dự thảo trước ngày 15/6/2021 và gửi xin ý kiến tham gia của các địa phương, đơn vị; tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Dự thảo đề án, trình UBND tỉnh trước ngày 25/6/2021.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()