Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:50 (GMT +7)
Đảm bảo an ninh lương thực từ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Thứ 3, 28/11/2023 | 11:23:24 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tình hình lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp. Tại Quảng Ninh, để góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, việc tiếp tục đầu tư cho nông nghiệp càng được quan tâm.
Trước hết, các địa phương tiếp tục quan tâm sửa chữa, gia cố hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất trên địa bàn. Cùng với đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống tưới tiêu phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông, lâm ngư nghiệp của bà con.
Toàn tỉnh hiện có 180 hồ chứa nước, 442 đập dâng lớn, vừa và nhỏ; 3.243km kênh mương các loại, trong đó kiên cố hóa được gần 2.000km. Hệ thống sông suối, ao hồ nhỏ cũng khá đa dạng... Nguồn nước ở các hồ chứa và các sông, suối đủ đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt, công nghiệp.
Qua đó đảm bảo cung cấp nước tưới cho 38.854,8ha đất canh tác toàn tỉnh. Tỉnh còn đầu tư hơn 100km đê biển, kè, và gần 40 cống tiêu dưới đê nhằm bảo vệ người dân ven biển và hàng chục nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục chủ trì, phối hợp triển khai các đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, như: Phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030...
Việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi giống mới vào gieo trồng; hướng dẫn người dân xử lý sinh vật gây hại trên cây trồng, như: Sâu đục thân hai chấm tại Móng Cái, sâu cuốn lá nhỏ tại Đông Triều, Hạ Long, Ba Chẽ, nhiễm rầy tại Móng Cái, Ba Chẽ, Hạ Long... cũng được đẩy mạnh.
Công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại trên cây trồng được Sở NN&PTNT, các địa phương thực hiện tốt, chủ động đề xuất các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, dịch hại trên cây trồng về cơ bản được kiểm soát không để phát sinh thành dịch.
Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực cây có hạt trên địa bàn tỉnh 10 tháng năm 2023 đạt 119.998 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ 2022. Hiện các địa phương đang chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương làm đất, gieo trồng cây vụ Đông. Dự kiến diện tích gieo trồng cây vụ Đông năm 2023 toàn tỉnh là 7.748,13ha.
Không chỉ chú trọng vào trồng trọt, tỉnh còn vận động người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô lớn, chăn nuôi nông hộ, áp dụng KHCN; chăn nuôi hữu cơ gắn với các giống đặc sản bản địa có giá trị kinh tế cao. Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp, HTX chăn nuôi mở rộng quy mô đàn và phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Các dịch bệnh truyền nhiễm trên gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bệnh dại trên động vật, viêm da nổi cục... được kiểm soát tốt, không phát sinh ổ dịch. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có đàn trâu 30.000 con, đàn bò 34.000 con, đàn lợn 320.000 con (tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022), đàn gia cầm đạt 4,3 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 101.600 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với chăn nuôi, tận dụng lợi thế ven biển, nhiều địa phương còn tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2023 đạt hơn 32.000ha. Toàn tỉnh có 10.473 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có 20 doanh nghiệp, 84 HTX, 10.369 hộ dân. Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, các sở, ngành tăng cường cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
Tỉnh cũng đã điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển đối tượng nuôi chủ lực, như: Tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể (hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông); cá biển (song, giò, chim vây vàng); một số loài thủy sản khác có giá trị kinh tế cao (sá sùng, ốc đá, ốc đụn, ốc nhảy trắng, bào ngư, hải sâm...).
Trong số 10.473 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản, có 3.017 cơ sở nuôi tôm, 1.395 cơ sở nuôi nhuyễn thể... Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn tỉnh được hơn 103.400 tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh còn khai thác được 73.477 tấn thủy sản.
Việc quan tâm, đầu tư của tỉnh, các địa phương cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi không chỉ nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn mà còn góp phần đảm bảo ổn định an ninh lương thực trên địa bàn.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()