Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:59 (GMT +7)
Đảm bảo 100% số người xác định là nạn nhân bị mua bán đều được hỗ trợ
Thứ 5, 19/01/2023 | 08:19:00 [GMT +7] A A
Ngày 4/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về (gọi chung là phòng, chống tệ nạn xã hội) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu chung là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, người dân trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Đổi mới hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. Phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Kiềm chế sự gia tăng, làm giảm tác hại của tệ nạn xã hội, góp phần tạo môi trường xã hội lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
Đồng thời, đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu, gồm: Đảm bảo 100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2023, lồng ghép cùng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất 01 hoạt động truyền thông về phòng, chống tệ nạn xã hội; 25% các địa bàn Khu công nghiệp, Khu kinh tế được tiếp cận thông tin phòng, chống tệ nạn xã hội; 25% các trường Trung học phổ thông, Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tập huấn, tuyên truyền kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm, thực hiện hành vi tình dục lành mạnh, an toàn. Hằng tháng có ít nhất 01 bài hoặc tin về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đăng tải trên báo, tạp chí hoặc Cổng thông tin điện tử của tỉnh; phấn đấu 70% cán bộ chính quyền các cấp phụ trách lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội và trên 65% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết, nhận thức đúng về tệ nạn mại dâm, tệ nạn ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị cai nghiện ma túy; trên 80% cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm được đào tạo, tập huấn, cập nhật kỹ năng, kiến thức về cai nghiện ma túy, phòng, chống mại dâm phù hợp với tình hình mới; cai nghiện ma tuý cho 550 lượt người, trong đó cai nghiện tập trung cho 500 lượt người, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho 50 lượt người; 100% người lầm lỗi có nhu cầu đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; đào tạo nghề cho 420 người lầm lỗi; giải quyết việc làm cho 580 người lầm lỗi; tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội: 25 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã; 06 Điểm tư vấn; 09 Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy; 08 mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm; 04 Nhóm, Câu lạc bộ thuộc mô hình phòng, chống mại dâm; 05 Câu lạc bộ thuộc mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”. Xây dựng và triển khai thí điểm mô hình về dự phòng nghiện ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp. Phát triển, nhân rộng 05 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã; tổ chức kiểm tra, giám sát, rà soát địa bàn, nắm tình hình hoạt động về phòng, chống mại dâm ít nhất 20% Cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.
Riêng về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Quảng Ninh đặt chỉ tiêu đảm bảo 100% số người xác định là nạn nhân bị mua bán đều được hỗ trợ ban đầu và áp dụng chính sách theo quy định của pháp luật; phấn đấu 35% các địa bàn xã, phường, thị trấn, trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phòng, chống mua bán người.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()