Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:32 (GMT +7)
Đại lễ tưởng niệm 712 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Thứ 2, 14/12/2020 | 13:45:06 [GMT +7] A A
Sáng 14/12, tại Cung Trúc Lâm, Khu di tích – danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí), Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam và GHPG tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chủ trì tổ chức đại lễ tưởng niệm 712 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2020).
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm, cầu nguyện quốc thái dân an tại lễ tưởng niệm. |
Dự đại lễ về phía GHPG Việt Nam có Trưởng lão, Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh (HĐCM) GHPG Việt Nam; Hoà thượng Thích Thiện Pháp, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPG Việt Nam cùng các chư tôn đức là lãnh đạo HĐTS GHPG Việt Nam.
Về phía tỉnh, có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan của trung ương, địa phương cùng đông đảo tăng, ni, phật tử, nhân dân và du khách gần xa.
Tại đây, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức của Phật hoàng cả về đạo và đời; thực hiện các nghi lễ dâng hương tưởng niệm, cầu nguyện quốc thái dân an... trong không khí trang nghiêm, thành kính.
Lãnh đạo HĐTS GHPG Việt Nam giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông tới các tăng, ni, phật tử, nhân dân và du khách về dự lễ. |
Theo sử sách ghi lại, vua Trần Nhân Tông khi còn nhỏ đã bộc lộ khí chất thông minh, khác thường, được vua cha cho mời các bậc đạo cao đức trọng về dạy từ nhỏ. Năm 21 tuổi, Ngài lên ngôi vua và ngự ngai vàng trong 14 năm. Trong thời gian đó, vua Trần Nhân Tông đã lãnh đạo quân dân nhà Trần 2 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược vào năm 1285 và năm 1288. Sau khi giữ yên bờ cõi, vua Trần Nhân Tông đã thực hiện nhiều chính sách lợi nước, an dân, khôi phục kinh tế, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đồng thời thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo với các nước láng giềng, tiếp tục mở rộng bờ cõi Đại Việt.
Khi đất nước thái bình thịnh trị, nhân dân no ấm, ở trên đỉnh cao quyền lực, Ngài đã nhường ngôi cho con, xuất gia tu hành tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình. Sau này, Ngài đã về Yên Tử tu hành, giảng pháp, độ tăng, thống nhất 3 dòng thiền lúc bấy giờ thành lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Đại Việt, với tinh thần nhập thế, gắn đạo với đời và xây dựng Yên Tử trở thành Kinh đô Phật giáo của Quốc gia Đại Việt. Những năm cuối đời, Ngài đã truyền lại y, bát cho đại đệ tử Pháp Loa rồi về am Ngoạ Vân tu hành và viên tịch tại đây vào ngày 1/11 Âm lịch năm 1308. Sau khi hoả táng, xá lị của Ngài được đưa đi an trí ở nhiều nơi, trong đó ở Quảng Ninh có tháp Tổ tại Yên Tử (Uông Bí), am Ngoạ Vân và chùa Quỳnh Lâm tại Đông Triều.
Nghi lễ tưởng niệm thu hút đông đảo quan khách, chư tôn đức tăng, ni, phật tử và du khách gần xa về tham dự. |
Trần Nhân Tông là một vị vua anh hùng, một nhà tư tưởng, nhà văn hoá lớn. Di sản phật giáo do Ngài để lại tiếp tục được Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam Tổ Huyền Quang và các thiền sư đời sau tiếp tục gìn giữ, lưu truyền, phát triển cho tới ngày nay.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()